• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
18 Tháng Giêng 2025 8:20:18 CH - Mở cửa
MSN: Dự kiến phát hành riêng lẻ gần 10% vốn, trả cổ tức tiền mặt
Nguồn tin: Người đồng hành | 22/06/2020 10:43:39 SA
Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) sẽ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 30/6. Theo tài liệu họp được công bố, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu dao động từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng, gần gấp 2 lần mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng, giảm ít nhất 46%.
 
Kế hoạch doanh thu tăng trong khi lợi nhuận giảm có thể đến từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+ vốn có doanh thu cao nhưng hiện vẫn đang lỗ. Chẳng hạn như quý I, do hợp nhất kết quả kinh doanh của 2 chuỗi bán lẻ nói trên, Masan Group ghi nhận doanh thu thuần quý I gấp đôi, lên 17.632 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lỗ 78 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 865 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ quý II/2014.
 
Doanh thu hợp nhất năm 2019 là 38.819 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông gần 5.558 tỷ đồng, tăng 13%. Qua kết quả kinh doanh nêu trên, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 10% - lần thứ 2 kể từ khi niêm yết chia cổ tức bằng tiền. Thời gian chi trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ. Việc chi trả có thể được thực hiện thành một hoặc nhiều đợt.
 
Từ năm 2020 trở đi, HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT xem xét và lập phương án phân chia cổ tức hàng năm, bao gồm cả tạm ứng cổ tức.
 
Ngoài ra, Masan Goup cũng có kế hoạch tăng vốn từ chào bán riêng lẻ và phát hành ESOP. Cụ thể, Tập đoàn có kế hoạch chào bán tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu đang lưu hành (tính theo vốn điều lệ hiện tại là gần 117 triệu cổ phần mới) cho không quá 5 nhà đầu tư là các tổ chức và không phải là công ty con; không phải là công ty mà có chung công ty mẹ với Công ty. Đợt chào bán riêng lẻ này sẽ không phát hành cho chỉ 1 nhà đầu tư.
 
Thời điểm phát hành trong năm 2020 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
 
HĐQT trình cổ đông xem xét phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thực hiện trong năm 2020 hoặc trước tháng 5 năm 2021. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành (tương đương hơn 5,8 triệu cổ phiếu). Mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp, không đề cập tới việc hạn chế chuyển nhượng.
 
Báo cáo HĐQT đưa ra định hướng chiến lược trong năm nay đối với VCM – công ty sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ là biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) từ âm 3% đến 0%, đạt mô hình hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020. Nhằm đạt được chỉ tiêu trên, doanh nghiệp sẽ đối sánh toàn bộ giá vốn sản phẩm và chi phí bán hàng với thị trường, đồng thời đưa chi phí bán hàng đạt mức tốt nhất nhằm cải thiện hiệu suất và hiệu quả vận hành.
 
Danh mục sản phẩm tập trung vào các thương hiệu và sản phẩm chủ chốt để thúc đẩy 80% hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, Masan Group cũng đang tập trung xây dựng nền tảng bán lẻ thông minh hơn và cải thiện năng suất thông qua việc tự động hóa hệ thống dữ liệu...
 
Masan Consumer (UPCoM: MCH) dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
 
Masan MeatLife (UPCoM: MML) đặt kế hoạch doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
 
Đối với Masan Resources (UPCoM: MSR), công ty tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó, giảm bớt rủi ro biến động giá theo chu kỳ hàng hóa.
 
Cuối tuần trước, HĐQT Masan Group bổ nhiệm ông Danny Le giữ chức danh Tổng giám đốc nhiệm kỳ 5 năm từ 19/6. Vị trí Tổng giám đốc Masan Group vốn được ông Nguyễn Đăng Quang Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, kể từ 1/8/2020, Chủ tịch không được kiêm nhiệm Tổng giám đốc.