Thị trường chứng khoán châu Á, không bao gồm Nhật Bản, dự kiến diễn biến tốt hơn hẳn các thị trường mới nổi khác trong nửa cuối năm nay, theo Credit Suisse Group AG. Các yếu tố thúc đẩy thị trường gồm USD suy yếu, số liệu kinh tế cải thiện, sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ.
“Nếu có khu vực nào đó hưởng lợi từ việc nối lại các hoạt động của kinh tế thế giới, châu Á nổi trội hơn hẳn nhờ sự phụ thuộc vào xuất khẩu”, Ray Farris, giám đốc đầu tư Nam Á tại Credit Suisse, cho biết.
Các nền kinh tế châu Á còn có thể nới lỏng các điều kiện tiền tệ, tăng thanh khoản nội địa tốt hơn những khu vực khác, nơi các đồng nội tệ “chịu nhiều áp lực hơn”.
Với Trung Quốc đang tái mở cửa nền kinh tế nhanh hơn nhiều quốc gia khác, các nền kinh tế châu Á dự kiến nằm trong nhóm đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Nhiều điểm sáng xuất hiện như số liệu về nhu cầu tiêu dùng, sản lượng công nghiệp Trung Quốc.
Chỉ số MSCI châu Á không bao gồm Nhật Bản chỉ còn thấp hơn thời điểm đầu năm 5%, phục hồi với tốc độ nhanh hơn MSCI Các thị trường mới nổi.
Credit Suisse còn nhận định USD suy yếu hơn nữa. Đồng bạc xanh đã mất giá 2% so với 10 đồng tiền lớn trong năm nay. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu cải thiện, lãi suất tại Mỹ dự kiến ở mức thấp cho đến năm 2022 đều sẽ hỗ trợ tiền tệ châu Á so với USD.
Nếu USD suy yếu hơn nữa và “những thị trường nêu trên bắt đầu diễn biến tốt, dòng vốn ngoại cũng sẽ trở lại theo đuổi lợi nhuận”, Farris cho biết thêm.