Đẩy mạnh thu dịch vụ từ bảo hiểm
Chiều 25/6, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – mã
LPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 tại TP.HCM.
Báo cáo cổ đông, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc
LPB cho biết, trong năm 2019 ngân hàng đã huy động được 60.000 tỷ đồng qua kênh tiết kiệm bưu điện.
Tốc độ tăng trưởng nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm đứng đầu thị trường trong năm qua. Trong 2-3 năm tới, đây là nguồn thu rất lớn của
LPB.
Trong 2 tháng tới đưa gần 20 phòng giao dịch đi vào hoạt động. Tiếp tục phát triển thị trường tại nông thôn, nơi mà tiềm năng ngân hàng còn rất lớn.
Theo ông Sơn, ngân hàng vẫn còn hạn chế trong năm 2019. Về tín dụng, do giới hạn về tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của
LPB năm 2019 chưa xứng tầm với quy mô vốn và mạng lưới của ngân hàng.
Ngoài ra, việc thu hồi nợ xấu chưa đạt kỳ vọng. Dịch vụ Ví Việt của ngân hàng cũng chưa đủ mạnh để đặt ra mục tiêu phát triển khách hàng và đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Năm 2020,
LPB đã lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến 2.300 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HĐQT quyết định họp và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, lợi nhuận trước thuế điều chỉnh còn 1.700 tỷ đồng, giảm 17% so với kết quả năm 2019. Mức chi trả cổ tức thấp nhất là 8%, thấp hơn so với mức 10% của năm 2019.
Như vậy, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2020 của
LPB khoảng 1.000 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng tài sản cuối năm 2020 đạt 210.000 tỷ đồng và vốn điều lệ đạt 10.700 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 20% so với đầu năm.
LPB cũng đặt kế hoạch huy động thị trường 1 tăng 1% và dư nợ thị trường 1 tăng 11% so với kết quả năm 2019, lần lượt đạt 168.000 tỷ đồng và 156.000 tỷ đồng.
5 tháng đạt 49% lợi nhuận cả năm
Theo thông tin từ
LPB, đến hết tháng 5/2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt gần 830 tỷ đồng, thực hiện được 49% kế hoạch lợi nhuận dự kiến trình ĐHĐCĐ.
Đặc biệt,
LPB có kế hoạch trích lập dự phòng và mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong quý II/2020 nhằm cải thiện chất lượng tài sản.
Tăng vốn lên 11.342 tỷ đồng và niêm yết trên HOSE
LPB có tờ trình cổ đông về tăng vốn điều lệ từ mức 9.769 tỷ đồng lên 11.342 tỷ đồng theo phương thức chia cổ tức 2019 và phát hành riêng lẻ.
Trước đó, ngày 16/3/2020,
LPB đã chính thức tăng vốn điều lệ từ hơn 8.881 tỷ đồng lên hơn 9.769 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đã phát hành 88,81 triệu cổ phần, bao gồm 82,48 triệu cổ phần trả cổ tức năm 2018 và 6,33 triệu cổ phần từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.
Về chi trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu để tăng vốn,
LPB tiếp tục dự kiến tăng vốn điều lệ lên mức 10.746 tỷ đồng, thông qua phát hành 97,69 triệu cổ phần, tương đương gần 977 tỷ đồng.
Theo phương án phát hành riêng lẻ,
LPB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm gần 596 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ 59,58 triệu cổ phần, chiếm 5,54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (dự kiến). Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Mức giá cụ thể do HĐQT quyết định.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên mức 11.342 tỷ đồng.
Tờ trình về niêm yết trên HOSE: Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của
LPB, cổ đông đã thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu
LPB từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), hoàn thành trước 31/12/2020.
Hiện ngân hàng đã hoàn thiện phương án, lựa chọn được đơn vị tư vấn và sẽ triển khai theo tiến độ chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Dự kiến việc niêm yết cổ phiếu
LPB tại HOSE sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
"Thị giá cổ phiếu là một phần “bộ mặt” ngân hàng"
Cổ đông: Ban lãnh đạo
LPB đã nhiều lần nói trong ĐHĐCĐ là ngân hàng có mạng lưới lớn trong hệ thống, có nhiều tiềm năng nhưng EPS của
LPB hiện chỉ 1.710 đồng, trong khi các ngân hàng khác, như HDB có EPS là 3.760 đồng, TPB là 3.850 đồng...
LPB cũng đã thành lập được12 năm rồi, có tiềm năng rất lớn. Vậy Ban lãnh đạo xem mình yếu kém ở chỗ nào khi EPS thấp như vậy?
Cổ đông: Việc chuyển sang HOSE thì HĐQT đã nói lâu rồi, từ năm 2018. Tôi đề nghị HĐQT nói phải làm.
Việc phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài cũng nói lâu rồi, nhưng cần chú ý đến giá phát hành để cổ đông nhỏ lẻ được hưởng lợi từ việc này. Còn thị giá
LPB trên sàn thấp, ngân hàng muốn phát triển được thì thị giá cũng là một phần trong “bộ mặt” của ngân hàng.
Cổ đông: FE Credit đều hợp tác với VNPost để phân phối sản phẩm qua hệ thống. Chủ tịch có thể đánh giá rủi ro về cạnh tranh trong việc hợp tác với VNPost?
LPB cần có chương trình phân tích hằng quý như MB hay Techcombank?
Cổ đông: Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 trên tổng dư nợ là bao nhiêu? Dự kiến trong năm nay là bao nhiêu? Đã tìm được đối tác phát hành cổ phiếu riêng lẻ? Giá phát hành thế nào?
Cổ đông: Do mở rộng mạng lưới nhiều nên chi phí lớn và thị giá cổ phiếu
LPB thấp. Tôi thấy từ khi thành lập đến nay chưa khi nào
LPB chia cổ tức dưới 10%. Trong năm 2020, dự kiến chia không thấp hơn 8%. Tôi mong muốn mức chia phải 10% để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Về tìm đối tác nước ngoài không nhất thiết bán giá cao nhưng không giúp gì cho ngân hàng, mà phải tìm đối tác chiến lược giúp ngân hàng tốt hơn. Hiện giá
LPB thấp nhưng mua nhiều không có.
"Tôi cam kết năm nay sẽ chuyển sàn trước tháng 12"
Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc
LPB cho biết: Về lộ trình nâng cấp phòng giao dịch (PGD) của ngân hàng đến cuối 2018 và nửa 2019 gần như các phòng đó mới nâng cấp xong. Hiện nay, ngân hàng đang nâng cấp PGD cấp huyện phủ sóng trên toàn quốc. PGD mở mới có độ trễ về chi phí, năng suất lao động...
Trong khi cho vay món nhỏ lẻ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị NHNN khống chế thì mạng lưới sẽ đem lại lợi nhuận tốt, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm. Cuối năm ngoái chi phí này dồn tích khiến
LPB chi ra hơn 1.000 tỷ đồng. Có những ngân hàng đưa lợi nhuận từ dịch vụ bảo hiểm tới 1.000 tỷ đồng.
LPB khi ổn định mạng lưới và nhân sự mới tính đến chuyện tăng thu từ dịch vụ bảo hiểm.
Cổ đông yên tâm rằng từ năm tới tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn khi mạng lưới ổn định và phát huy.
Về chuyển sàn, mấy năm trước tình hình tài chính không tốt. Tôi cam kết năm nay sẽ chuyển trước tháng 12.
Về lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài cần phải đủ năng lực tài chính để bán giá tốt nhất.
Về thị giá cổ phiếu
LPB trên sàn còn thấp. Tôi hy vọng giá trị của
LPB sẽ tăng vì giá trị theo sổ sách được đánh giá bởi các tổ chức là trên 14.000 đồng/cổ phần.
Về hợp tác với VNPost không có gì thay đổi. Giữa hai phân khúc khách hàng không ảnh hưởng đến nhau.
Về cung cấp thông tin và tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư thì
LPB đang thuê tư vấn và công bố thông tin khi chuyển sàn.
Về tín dụng,
LPB được phép tăng 10,7%, trước mắt là như vậy. Còn tăng hơn nữa không còn phải xem xét từ NHNN.
Về tái cơ cấu nợ theo Thông tư 01 xấp xỉ 5.000 tỷ đồng.
LPB đã giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Lợi nhuận 6 tháng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, hai lãnh đạo cấp cao xin từ nhiệm
Ông Phạm Doãn Sơn cập nhật thêm về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay.
Tính đến 30/6, lợi nhuận của
LPB dự kiến đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Kế hoạch 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm có thể đạt được, thậm chí vượt kế hoạch.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
ĐHĐCĐ cũng đã thông qua đơn xin từ nhiệm thôi không giữ chức Thành viên HĐQT
LPB của ông Nguyễn Đình Thắng và vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đức Cử.