Kế hoạch lãi tương đương năm trước, cổ tức 50% lãi sau thuế
Sáng ngày 26/6, Vinamilk (HoSE:
VNM) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 và các vấn đề quan trọng khác.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc, báo cáo năm 2019 đánh dấu sự phục hồi đáng kể của Vinamilk, duy trì thị phần dẫn đầu ngành sữa Việt Nam.
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp đã phát triển 251.000 điểm bán lẻ, triển khai kênh bán hàng trên thương mại điện tử, các nhóm khách hàng đặc biệt như bệnh viên, trường học tăng mạnh. Tính đến cuối năm Vinamilk cung cấp sữa cho chương trình sữa học đường đến 20 tỉnh, thành phố.
Với thị trường quốc tế, công ty cũng ghi nhận bước tăng đáng kể nhờ các triển lãm, hội chợ; qua đó, phát triển thêm 2 thị trường mới là Ethiopia và Mozambique.
Năm qua, Vinamilk cũng hoàn tất mua 75% vốn của GTN Foods. Ban lãnh đạo sẽ thúc đẩy công ty con này phát triển mảng kinh doanh sữa.
Kết thúc năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 56.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.581 tỷ đồng; lần lượt tăng 7,2% và 3,4% so năm trước, vượt kế hoạch đề ra.
Dựa trên kết quả đạt được, Vinamilk chốt chia cổ tức năm 2019 là 45% bằng tiền, trong đó đã tạm ứng 2 lần với tổng tỷ lệ là 30%. Vinamilk sẽ trình cổ đông thông qua trả cổ tức còn lại tỷ lệ 15% bằng tiền vào năm 2020.
Với năm 2020, HĐQT trình kế hoạch doanh thu là 59.600 tỷ đồng, tăng 5,7%; lợi nhuận sau thuế dự kiến 10.690 tỷ đồng, tăng 1%. Kế hoạch chi trả cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Trong đó, tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 là 2.000 đồng/cp, chốt danh sách ngày 30/9 và thanh toán ngày 15/10. Cổ tức đợt 2/2020 là 10%, chốt ngày 31/12 và thanh toán ngày 26/2/2021. Phần cổ tức còn lại do ĐHĐCĐ năm 2021 quyết định.
Ngoài ra trong đợt thanh toán cổ tức 2020 lần 1, doanh nghiệp cũng chốt danh sách để chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20%.
Triển khai chuỗi cửa hàng cà phê với thương hiệu “Hi – Café”
HĐQT cũng trình đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất đường; dịch vụ phục vụ đồ uống (café, giải khát); bán lẻ túi, hộp, thùng và các loại bao bì khác trong cửa hàng chuyên doanh; bán buôn thực phẩm như mứt, bánh, kẹo, socola, cacao, ngũ cốc, bột, tinh bột và các loại hạt...; bán buôn ngô và các loại ngũ cốc khác; bán buôn kim loại và quặng kim loại.
Đối với lĩnh vực sản xuất đường, Vinamilk có kế hoạch phát triển các sản phẩm đường thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng...
Đối với mảng dịch vụ phục vụ đồ uống, Vinamilk đang triển khai dự án mở hệ thống/chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu “Hi - Café”. Trong năm 2019, Vinamilk đã mở 1 cửa hàng tại Trụ sở chính. Trong năm 2020 và các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến sẽ phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.
Doanh thu 6 tháng tăng 7% và lợi nhuận tăng 3%
Thảo luận: Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc trả lời tất cả các câu hỏi
- Năm 2020, giá sữa nguyên liệu thấp hơn 2019, giá bán cao hơn nghĩa là biên lợi nhuận gộp cao hơn, công ty có thể chia sẻ thông tin?
- Giá nguyên liệu 2020 xu hướng giảm nhưng tổng thể vẫn cao hơn 2019. Nếu tính thêm GTNFoods thì biên lợi nhuận ở mức 47% và không tính thì 48,29%.
- Kế hoạch 2020 dựa trên mức tăng của thị trường nội địa và quốc tế ra sao?
- Kế hoạch 2020 dựa trên ước tính doanh thu nội địa tăng 3% và doanh thu xuất khẩu tương đương 2019.
- Chia sẻ về thị trường xuất khẩu?
- Tổng số thị trường xuất khẩu của Vinamilk là 53, trong đó các thị trường tăng mạnh là Trung Đông, Campuchia và Hàn Quốc.
Trong quý I, doanh thu thị trường quốc tế tăng 8% và cho đến hiện tại là tăng 13%.
- Tham vọng với Mộc Châu Milk?
- Mộc Châu là thương hiệu sữa tốt và có tiềm năng phát triển. Vinamilk đã có kế hoạch phát triển Mộc Châu theo lộ trình cụ thể. Nhà đầu tư sẽ thấy kết quả của đầu tư vào cuối năm nay.
- Hình dung ngành sữa Việt Nam thay đổi trong 5 hay 10 năm tới?
- Ngành sữa Việt Nam vẫn phát triển, mỗi năm 1 triệu trẻ em ra đời, là thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng. GDP tăng trưởng, mức thu nhập tăng cao nên tiêu thụ sữa sẽ tăng tăng cao. Mức tiêu thụ sữa của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với trong khu vực.
- Vinamilk tiếp tục tăng thị phần có khả thi không? Hay thông qua M&A?
- Tùy đặc thù ngành nghề, với Vinamilk từ con số 0 tròn trĩnh đến bây giờ có nhà máy, chủ động nguyên liệu, có thị phần. Vinamilk theo kế hoạch đề ra, mỗi năm tăng 1% thị phần và đến nay vẫn đạt được. Do vậy, Vinamilk tự tin vẫn có thể tăng thị phần tiếp dù hiện tại chiếm hơn 60% thị phần.
- Xin chia sẻ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm?
- 6 tháng ước tính doanh thu tăng khoảng 7% và lợi nhuận trước thuế, sau thuế cùng tăng 3% so với cùng kỳ.
Quý I ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 là kênh sữa học đường, trong khi các kênh khác vẫn ổn định. Từ tháng 5, sữa học đường quay trở lại nên tăng tích cực. Ban lãnh đạo kỳ vọng quý III và IV sẽ có con số khả quan hơn để báo cáo cổ đông.
- Chia sẻ kỹ hơn về hợp tác với Kido?
- Vinamilk hợp tác với Kido lập liên doanh kinh doanh ngành hàng giải khát và đông lạnh, Vinamilk góp 51% và Kido 49%. Cả 2 công ty mẹ sẽ đưa tất cả dây chuyền sản xuất ngành hàng giải khát và đông lạnh vào liên doanh. Những thương hiệu sản phẩm các công ty mẹ đưa vào, tính giá trị thương hiệu hay dây chuyền sẽ có bên độc lập định giá.
- Xin chia sẻ về mặt hàng Organic?
- Organic là sản phẩm mà thế giới đang hướng đến. Vinamilk đặt mục tiêu đáp ứng mọi sản phẩm, mọi phân khúc. Sản phẩm Organic ra mắt nhận được nhiều sự quan tâm và triển vọng rất sáng. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm này.
- Xin chia sẻ về tài sản cho mặt hàng lạnh như tủ trữ đông?
- Hiện Vinamilk sở hữu hoàn toàn và không thuê ngoài. Tỷ suất lợi nhuận ngành hàng lạnh thông thường cao nhưng đặc thù khí hậu Việt Nam, thời điểm mùa hè thì ngành hàng phát triển nhưng mùa đông thì không phát triển. Tuy nhiên, với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, Vinamilk vẫn phát triển mặt hàng này.
- Tại sao lại tham gia ngành hàng cà phê, đây có phải là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong 3 – 5 năm tới?
- Vinamilk đã ra sản phẩm cà phê thương hiệu “Hi – Café”, đây là sản phẩm mới thuộc ngành hàng giải khát. Doanh nghiệp không có tham vọng mở chuỗi cửa hàng mà chỉ sản xuất sản phẩm. Đồng thời, Vinamilk có 340 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt thì có thể tận dụng để bán uống tại chỗ hoặc mang đi. Café kết hợp với sữa là thức uống ngon.
- Nhận định cạnh tranh thế nào khi EVFTA được ký kết?
- Khi EVFTA có hiệu lực thì sữa châu Âu giảm 10%, song dù giảm chênh lệnh giữa sữa Việt Nam và sữa châu Âu vẫn còn cao. Do đó, nếu sữa châu Âu giảm thì có áp lực nhưng không lớn, đây cũng là động lực để Vinamilk cố gắng giữ và phát triển thị phần.
Giá sữa châu Âu cao hơn sữa Việt Nam do giá nhân công, chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng…
- Công ty có kế hoạch tăng giá sữa?
- Giá sữa tùy thuộc giá nguyên liệu đầu vào, Vinamilk hiện chưa có kế hoạch tăng nhưng nếu giá nguyên liệu tăng thì cũng phải tăng.
Đại hội kết thúc với việc các tờ trình được thông qua.