Dow Jones tăng 217,08 điểm, tương đương 0,85%, lên 25.812,88 điểm. S&P 500 tăng 47,05 điểm, tương đương 1,54%, lên 3.100,29 điểm. Nasdaq tăng 184,61 điểm, tương đương 1,87%, lên 10.058,77 điểm.
S&P 500 tăng hơn 19,95% trong quý II, quý tốt nhất kể từ năm 1998, sau khi giảm 20% trong quý I, tệ nhất kể từ quý IV/2008. Dow Jones tăng 17,78%, cao nhất kể từ đợt tăng 21,56% trong quý I/1987. Nasdaq tăng 30,63%, đánh dấu quý tốt nhất kể từ lần tăng 48,18% vào quý IV/1999.
Đà tăng được thúc đẩy nhờ các gói kích thích tài chính, tiền tệ chưa từng có và nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, S&P 500 vẫn đang giảm 4% so với đầu năm và mức tăng trong tháng 6 chỉ là 2% do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, đe dọa trì hoãn quá trình tái mở cửa kinh tế Mỹ, làm chệch đà phục hồi. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 30/6 tái khẳng định lộ trình kinh tế “bất ổn cao”.
“Thứ mọi người chờ là liệu chúng ta có thể chấm dứt hoặc giảm đà lây lan của Covid-19 không”, JJ Kinahan, giám đốc chiến lược thị trường tại TD Ameritrade, Chicago, bang Illinois, nói.
Bình luận từ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ, chính là lời nhắc rằng kinh tế Mỹ còn chặng đường dài phải đi cho đến khi phục hồi hoàn toàn. Fauci cảnh báo không có gì bảo đảm Mỹ sẽ có vắc xin phòng Covid-19 hữu hiệu và sự lây lan “có thể rất tệ”.
Đà tăng của Dow Jones bị hạn chế do cổ phiếu Boeing mất giá 5,75% sau khi Norwegian Air hủy đơn đặt hàng 97 phi cơ của Boeing và tuyên bố sẽ đòi bồi thường.
Số ca nhiễm mới Covid 19 tiếp tục tăng tại nhiều bang ở Mỹ nhưng nền kinh tế số một thế giới cũng có những dấu hiệu cải thiện, như niềm tin tiêu dùng tăng nhiều hơn dự báo trong tháng 6.
Căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là một trở ngại. Washington đang bắt đầu xóa bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong theo luật Mỹ để phản ứng với việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia với thành phố. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 30/6 là 10,72 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 13,55 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.