Các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc khó chịu với đà tăng của thị trường xuất hiện từ cuối ngày 9/7, khi hai quỹ chính phủ của nước này thông báo ý định giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu. Ngày 10/7, tờ China Economic Times cảnh báo nguy cơ về một “thị trường giá lên điên rồ” trong khi Caixin đưa tin nhà chức trách đã đề nghị các công ty quỹ tương hỗ hạn chế quy mô các sản phẩm mới.
Giới đầu tư nhận định những động thái trên tương đương một lời cảnh báo từ nhà chức trách Trung Quốc rằng đợt tăng gần đây của thị trường chứng khoán nước này - vượt trội so với diễn biến chung trên thế giới - đang quá nhanh, quá xa. Đà đi lên này phần nào có được nhờ sự khích lệ từ truyền thông, giúp châm ngòi đợt tăng từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn thị trường tăng ổn định hơn là tạo ra bong bóng rồi vỡ như 5 năm trước.
“Tín hiệu không thể rõ ràng hơn nữa – thị trường chứng khoán đã quá nóng so với mong muốn của nhà chức trách”, Niu Chunbao, quản lý quỹ tại Shanghai Wanji Asset Management, nói. “Một sự giảm nhẹ hoặc thứ gì đó tương tự sẽ giúp tâm trí họ thoải mái hơn vào lúc này”.
Chỉ số SSE 50 nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn Thượng Hải có lúc giảm tới 2,4% trong phiên 10/7. SSE 50 chốt phiên 9/7 xấp xỉ đỉnh năm 2015.
Diễn biến chỉ số SSE 50 qua các năm.
Hội đồng Quốc gia về Quỹ An sinh Xã hội – quỹ hưu trí quốc gia của Trung Quốc – thông báo ý định bán tới 2% cổ phần tại Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC). Quỹ này, quản lý khối tài sản khoảng 2.200 tỷ nhân dân tệ (314 tỷ USD), cho biết thương vụ nằm trong “các hoạt động thoái đầu tư định kỳ”.
Quỹ Đầu tư Công nghiệp Tuần hoàn Tích hợp Quốc gia, quỹ quốc gia nhỏ hơn nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất chip tại Trung Quốc, cũng công bố kế hoạch bán cổ phiếu tại ba công ty. Giá cổ phiếu ba công ty này đều giảm ít nhất 2,5% trong phiên hôm nay.
Vai trò của các quỹ quốc gia tại thị trường Trung Quốc trở nên rõ rệt từ vụ vỡ bong bóng năm 2015, khi những công ty như China Securities Finance và Central Huijin Investment nỗ lực ngăn đà lao dốc.
Diễn biến giá cổ phiếu PICC trong phiên 10/7.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng thêm 1.000 tỷ USD trong tuần, vượt xa các thị trường trên thế giới. Dấu hiệu hưng phấn đang xuất hiện khắp nơi, lợi nhuận tăng, nợ ký quỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015 và các nền tảng giao dịch trực tuyến phải chật vật để bắt kịp xu hướng.
Cơ quan quản lý tại Trung Quốc đã có một số biện pháp để hạn chế hành vi đầu cơ, công bố danh sách 258 nền tảng tài chính ký quỹ trái phép vào ngày 8/7. Nhà đầu tư còn được cảnh báo tránh xa các nền tảng không được cấp phép.
Nhà đầu tư ngoại hôm nay lần đầu tiên bán ròng cổ phiếu Trung Quốc kể từ đầu tháng, khoảng 3,9 tỷ nhân dân tệ vào 14h. Nhóm này đã bơm ròng 63 tỷ nhân dân tệ vào thị trường Trung Quốc thông qua các kênh giao dịch trong tháng 7.