MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,6% trong phiên sáng 16/7, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều giảm điểm.
Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,5% và 0,6%.
Tại Trung Quốc, cổ phiếu tiếp tục bị bán tháo và là thị trường giảm mạnh nhất khu vực, với Shanghai Composite và Shenzhen Composite giảm 1,2 - 1,3%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,1%.
ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,4% và 0,6%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,4% trong khi Jakarta Composite của Indonesia và KLCI của Malaysia tăng 0,5 - 0,6%.
Chứng khoán châu Á giảm bất chấp tín hiệu phục hồi tích cực của kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý II của nước này tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng dự báo 2,5% của giới chuyên gia. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ghi nhận quý giảm đầu tiên ít nhất kể từ năm 1992 trong quý I.
Sản lượng công nghiệp tháng 6 của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng thứ 3 tăng trưởng liên tiếp. Điều này chứng tỏ gói kích thích của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tạo ra hiệu quả tích cực với lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ và ghi nhận tháng giảm thứ 5 liên tiếp, do các cửa hiệu, nhà hàng... vẫn đóng cửa.
Cùng ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định nền tảng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Trung Quốc sẽ không thay đổi.