• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.222,59 -9,30/-0,75%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:15:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.222,59   -9,30/-0,75%  |   HNX-INDEX   221,79   -2,03/-0,91%  |   UPCOM-INDEX   91,44   -0,43/-0,47%  |   VN30   1.276,80   -9,85/-0,77%  |   HNX30   471,35   -5,25/-1,10%
15 Tháng Mười Một 2024 1:23:30 CH - Mở cửa
Từ hệ thống giao dịch 'mác Thái' đến 'cỗ máy tạo tiền' trong thời kỳ đầu khớp lệnh trên sàn HoSE
Nguồn tin: VietNam Finance | 19/07/2020 6:36:36 CH
Quyết không liên thông hệ thống giao dịch với Thái Lan
 
Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM - HoSE) được thành lập vào ngày 11/7/1998 nhưng phải 2 năm sau mới chính thức khai trương (ngày 20/7/2000) và vận hành phiên giao dịch đầu tiên (ngày 28/7/2000).
 
Trong quá trình 2 năm đó, rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiều thứ cần chuẩn bị để thị trường có thể hoạt động thông suốt khi chính thức vận hành, trong đó, hệ thống giao dịch là một mắt xích rất quan trọng.
 
Ông Vũ Bằng – Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuật lại rằng trong thời gian này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc đã hỗ trợ rất tích cực cho UBCKNN trong việc huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cơ sở pháp lý. Bên cạnh công tác tạo hàng, đào tạo nhân lực thì công tác chuẩn bị hệ thống công nghệ cũng được tập trung rất tích cực.
 
"Để bảo đảm hiệu quả và phù hợp với giai đoạn ban đầu khi nhận thấy khả năng hàng hóa giao dịch ban đầu hạn chế, chúng tôi đã báo cáo anh Lê Văn Châu (Chủ tịch UBCKNN đầu tiên - PV) là nên có một hệ thống giao dịch ban đầu để khởi động thị trường, sau đó mới triển khai dự án chính thức.
 
Sau khi được anh Lê Văn Châu đồng ý, chúng tôi đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc hỗ trợ, tuy nhiên do khủng hoảng tài chính khu vực nên không thực hiện được. Chúng tôi chuyển sang hướng sử dụng công ty trong nước là FPT", Giám đốc đầu tiên của HoSE cho hay.
 
Ông Vũ Bằng chia sẻ rằng vào thời điểm đó, cựu Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan có sang Việt Nam và có đặt vấn đề là công suất của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đang rất lớn do khủng hoảng nên nếu sử dụng hệ thống giao dịch của Thái Lan thì có thể mở cửa thị trường được ngay, đỡ tốn kém.
 
"Tuy nhiên, khi đó chúng tôi thấy liên thông thị trường mình sang Thái Lan sẽ rất khó chấp nhận được nên cuối cùng Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đề xuất hỗ trợ xây dựng hệ thống giao dịch, còn hệ thống lưu ký, thanh toán thì để FPT xây dựng.
 
Vào thời điểm đó, toàn thể anh em cán bộ Trung tâm bắt tay ngay vào việc xây dựng quy trình giao dịch, chạy thử phần mềm, hiệu chỉnh phần mềm với Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan, phối hợp với FPT xây dựng phần mềm cho hệ thống lưu ký. Anh em khi đó làm việc liên tục đến 9 10 giờ tối, có hôm đến 2 giờ sáng, nhóm ngồi với FPT, nhóm ngồi với các chuyên gia Thái Lan, nhóm thì trải dây trên sàn để lắp đặt máy móc, không khí rất hăng say và rạo rực như 30 Tết", Giám đốc đầu tiên của HoSE nhớ lại.
 
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Lê Hải Trà - đương nhiệm chức Phụ trách HĐQT HoSE kể lại rằng sở dĩ hệ thông giao dịch của HoSE mang "mác Thái" chỉ vì do các nhân sự của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) giúp triển khai, mà khi đó, chính ông Trà là người trực tiếp xây dựng quy chế giao dịch, tùy chỉnh hệ thống, tiếp nhận và chuyển giao việc đào tạo vận hành thị trường cho cán bộ của trung tâm cũng như đội ngũ đại diện sàn đầu tiên.
 
"Để SET có thể triển khai được hệ thống cho Việt Nam, phải có sự cho phép về bản quyền và hỗ trợ kỹ thuật của bên thứ 3, đó là công ty DSTi - sở hữu bản quyền của hệ thống phần mềm có nguồn gốc từ Sở Giao dịch Chứng khoán Chicago. Vấn đề bản quyền này cũng là một trong những rào cản chính đối với khả năng tiếp cận làm chủ hệ thống của Việt Nam", người đứng đầu HoSE thông tin.
 
Ông Trà cho biết thêm, hệ thống này được vận hành trên nền tảng Alpha server/hệ điều hành OpenVMS của HP nổi tiếng về độ an toàn và ổn định, khiến đó trở thành sự lựa chọn hàng đầu của Bộ quốc phòng và các cơ quan chính phủ Mỹ cũng như các định chế Phố Wall - vốn đòi hỏi mức độ an ninh và yêu cầu vận hành cao nhất từ nửa cuối thập kỷ 90.
 
"Dự án này còn gắn liền với tôi qua các giai đoạn triển khai khớp lệnh liên tục, giao dịch trực tuyến sau này. Từ biên bản ghi nhớ ban đầu, việc hỗ trợ của SET đã được chuyển thành dịch vụ tuân thủ các điều khoản chính thức theo hợp đồng", ông Lê Hải Trà chia sẻ.
 
Về phần bù trừ, thanh toán, đăng ký, lưu ký, FPT là đối tác được lựa chọn để xây dựng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để FPT có thể xây dựng hệ thống giao dịch cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sau này.
 
Một chi tiết ý nghĩa khác liên quan đến hệ thống giao dịch là việc lựa chọn phương thức giao dịch.
 
Theo ông Trà, trong lịch sử hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới, truyền thống là các sàn giao dịch thủ công ồn ào náo nhiệt giữa các nhân viên môi giới trên sàn. Các hệ thống máy tính giao dịch khớp lệnh hoàn toàn tự động chỉ bắt đầu xuất hiện vào thập kỷ 1980 và Chicago là một trong những sở giao dịch chứng khoán tiên phong trên thế giới.
 
"Trong quá trình chuẩn bị cho việc ra đời của TTCK Việt Nam, phương án sàn giao dịch thủ công đơn giản cũng đã được tính đến. Nhưng cuối cùng, khớp lệnh tự động đã được lựa chọn. Theo đó, vẫn có sàn giao dịch, nhưng các đại diện môi giới tại sàn nhận phiếu lệnh giao dịch từ trụ sở thông qua điện thoại/fax và nhập lại thủ công vào hệ thống giao dịch, bao gồm các thông tin về mã cổ phiếu, mua/bán, giá và số tài khoản", người đứng đầu sàn HoSE cho hay.
 
"Cỗ máy tạo tiền" cho các công ty chứng khoán thời kỳ đầu: Họ là ai?
 
Vào ngày 20/7/2000 khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đi vào hoạt động, đã có 6 công ty chứng khoán được thành lập, gồm Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Chứng khoán BIDV, Công ty Chứng khoán Đệ Nhất, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán ACB và Công ty Chứng khoán Thăng Long (tiền thân của MBS).
 
Trong dòng hồi tưởng của bà Bùi Thị Thanh Hương – nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCKNN, để chuẩn bị cho phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, lãnh đạo và nhân viên các công ty chứng khoán đã phải triển khai hoạt động xây dựng các trình nghiệp vụ, xây dựng hệ thống phần mềm tiếp nhận và xử lý các lệnh...
 
"Vào thời điểm đó, vì chưa có nhiều nhà đầu tư biết đến thị trường giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán nên Công ty Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Chứng khoán Sài Gòn đã chọn địa điểm đặt trụ sở chính và phòng giao dịch để tiếp nhận lệnh của nhà đầu tư liền kề với Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, ngay tại phố Nguyễn Công Trứ và ngay trong khuôn viên của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM", bà Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ.
 
Còn tại TP. HCM, trong những ngày đầu tiên khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đi vào hoạt động, các nhà đầu tư ồ ạt đến xếp hàng từ sáng sớm để mở tài khoản và nộp tiền để giao dịch, số lượng người đông đến nỗi Công ty Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Chứng khoán Sài Gòn phải đưa ra tiêu chí nhà đầu tư phải có tối thiểu 5 triệu đồng mới được mở tài khoản giao dịch chứng khoán.
 
"Đó là thời kỳ hoàng kim của các công ty chứng khoán, nhân viên của các công ty chứng khoán chỉ cần ngồi ở văn phòng chờ khách hàng đến để tiếp nhận lệnh giao dịch. Khi phiếu lệnh được nhà đầu tư nộp cho nhân viên giao dịch tại quầy giao dịch của các công ty chứng khoán, ngay lập tức phiếu lệnh đó được nhân viên phòng lệnh xử lý và truyền vào Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM bằng fax.
 
Tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, các nhân viên giao dịch tại sàn - đại diện giao dịch tại sàn của các công ty chứng khoán vận dụng hết kỹ năng đánh máy của mình để đánh máy các phiếu lệnh được truyền vào sàn sao cho lệnh đó được nhập vào một cách nhanh nhất, chính xác nhất để các lệnh đó có thể “khớp” với lệnh đối ứng một cách sớm nhất", nguyên lãnh đạo của UBCKNN nhớ lại.
 
Bà Hương cho hay vào thời kỳ đó, các đại diện giao dịch tại sàn dịch của các công ty chứng khoán được ví như "con cưng" hay "cỗ máy tạo tiền" cho các công ty chứng khoán.
 
Còn trong hồi ức của ông Lê Hải Trà, điều mà ông ấn tượng là một trong những "mánh lới" đầu tiên của đại diện sàn để đua lệnh là gõ 10 ký tự số hiệu tài khoản cùng 1 con số, sau đó sửa lại đúng số tài khoản trước giờ khớp lệnh (thời điểm đó chỉ khớp lệnh định kỳ 1 lần/ngày). Theo ông Trà, đây là trường dữ liệu duy nhất có thể sửa được mà không ảnh hưởng đến thứ tự ưu tiên thời gian của lệnh.