Mới đây, Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó đề cập tới thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, dự thảo đưa ra 2 phương án.
Nghiêng về phương án 10 ngày điều chỉnh một lần
Cụ thể, phương án 1 - thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 10 ngày, trường hợp ngày điều chỉnh rơi vào ngày nghỉ hoặc nghỉ lễ thì sẽ điều hành vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ của chu kỳ tính giá. Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.
Phương án 2, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 15 ngày như hiện nay. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng đột biến, dự thảo Nghị định cũng đưa ra 2 phương án, yếu tố cấu thành tăng trên 7% hoặc trên 10% so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhìn nhận mỗi một phương án đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, Hiệp hội này ủng hộ phương án thời gian điều chỉnh là 10 ngày - giúp giá xăng dầu Việt Nam tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, tránh có độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
"Còn với phương án thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày, giá bán lẻ trong nước sẽ khó bắt kịp những biến động của thị trường thế giới" ông Khanh nói.
Về phía doanh nghiệp, công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết, đã nhiều lần có ý kiến đề xuất sửa đổi, rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu nhằm ổn định thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội) nêu quan điểm phương án 10 ngày hợp lý hơn. Ngoài lý do giúp giá xăng dầu Việt Nam tiệm cận với giá thị trường thế giới, còn tránh được tình trạng găm hàng. Vừa qua, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rơi vào tình cảnh phải đóng cửa cây xăng vì thiếu hàng do một số doanh nghiệp không muốn bán hàng để giữ, chờ đợt tăng giá.
Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cũng thừa nhận, trong thời gian cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ tại một số địa bàn thuộc các tỉnh, thành phố như Đăk Lăk, Gia Lai, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội.
Nguyên nhân một phần là do giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều hành theo diễn biến giá thế giới và được đưa về mức khá thấp trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020 vừa qua. Từ giữa tháng 5/2020, mức điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn mức biến động tăng của giá thế giới.
Tạo lập thị trường cạnh tranh
Vừa qua, trong bối cảnh dịch COVID-19, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, giá xăng dầu thế giới sẽ còn biến động thất thường, khó lường theo diễn biến dịch bệnh lẫn cung cầu thị trường. Vì vậy, chu kỳ điều hành giá xăng dầu của Nhà nước 15 ngày theo quy định tại Nghị định 83/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, không phản ánh kịp và tiệm cận giá xăng thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao (từ trước thời gian có dịch bệnh COVID-19) sau đó tồn kho và phải bán với mức giá thấp trong thời gian vừa qua dẫn đến thua lỗ lớn nên có xu hướng giảm sản lượng bán ra.
Tuy nhiên, phương án thời gian điều chỉnh giá 10 ngày chỉ là giải pháp hữu dụng nhất trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí có ý kiến cho rằng, hiện nay giá xăng dầu thế giới đang biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tại sao Việt Nam không điều chỉnh giá xăng theo ngày.
Nói với Thời báo Kinh Doanh về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, nêu quan điểm: Thực tế thời gian điều chỉnh 10 ngày hay 15 ngày không khác nhau là mấy. Nếu giá xăng dầu lên hoặc xuống quá mạnh, việc điều chỉnh 10 ngày sẽ tốt hơn 15 ngày. Nhưng nếu giá xăng ổn định, 10 hay 15 ngày cũng không khác nhau.
Vì vậy, ông Độ cho rằng về lâu dài, Nhà nước cần tạo lập một thị trường cạnh tranh để giúp Nhà nước không cần can thiệp vào giá cả thị trường xăng dầu, tự doanh nghiệp quyết định giá xăng. Bây giờ thị trường đang trong giai đoạn quá độ, vì vậy, Nhà nước cần kiểm soát một phần giá xăng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiu cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày trong bối cảnh hiện nay là rất khó vì thị trường vẫn bị chi phối bởi một số doanh nghiệp lớn và giá xăng còn phụ thuộc vào điều phối của quỹ Bình ổn giá.
Do vậy, muốn thị trường xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường cần phải xóa bỏ Quỹ bình ổn, Nhà nước sẽ không can thiệp vào giá xăng. Điều đó có nghĩa thị trường xăng dầu đã cạnh tranh.
Được biết, Nghị định 83 sửa đổi lần này vẫn giữ lại quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với quỹ, bổ sung quy định về cách tính lãi, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng quỹ trong quỹ tại doanh nghiệp đang bị âm...