Viễn thông – Tin học Bưu điện (CTIN, HoSE: ICT) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu đạt hơn 334 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm mạnh hơn với 12,7% đã giúp lợi nhuận gộp được cải thiện.
Doanh thu tài chính tăng 1,2 tỷ đồng nhờ cổ tức được chia và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với quý II/2019. Ngược lại, chi phí tài chính tăng từ 7,2 tỷ đồng lên 10,2 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền vay.
Khoản thu nhập khác tăng mạnh với 14,7 tỷ đồng đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của CTIN đạt 27,5 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ.
Nguồn: BCTC CTIN.
Sau 6 tháng, CTIN ghi nhận doanh thu 562 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với mức 17 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 1.118 đồng.
Năm 2020, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất tối thiểu 2.547 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tối thiểu đạt 98,74 tỷ đồng, tăng 10%. Với kết quả trên, CTIN đã hoàn thành được 22% kế hoạch doanh thu và 36,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của CTIN đạt gần 1.722 tỷ đồng, giảm 21,6% so với số đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng chiếm 1.039 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm, chủ yếu đến từ Tổng Công ty Hạ tầng mạng, MobiFone và Viettel. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 349 tỷ đồng xuống 166 tỷ đồng. Vay và nợ tài chính tập trung ở khoản vay ngắn hạn với gần 531 tỷ đồng, giảm 36% so với số đầu năm.
CTIN có vốn điều lệ hơn 320 tỷ đồng, chủ yếu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông và tin học, cho thuê hạ tầng cơ sở mạng viễn thông. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ VNPT muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 35-51%. Công ty có nhiều dự án cần có quy định mềm dẻo trong khi lại có vốn Nhà nước nên cần cân bằng quyền lợi giữa cổ đông nhà nước, cổ đông khác, thậm chí có thể cả nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.