Chiều ngày 2/7 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (HNX: MBS) đã tổ chức buổi hội thảo MBS's Talk 18 với chủ đề "Thích nghi - Kiên nhẫn - Chọn lựa cơ hội" trong giai đoạn bình thường mới.
Chia sẻ về động lực dẫn đến sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Hoành Sơn, Giám đốc Chiến lượt thị trường MBS cho rằng nhịp hồi phục đến từ đợt bán tháo mạnh mẽ, tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư tham gia trở lại thị trường. Điểm nhấn thứ 2 là các chỉ số tạo đáy trùng với thời điểm dịch Covid-19 tạo đỉnh ở một số nền kinh tế lớn. Tiếp theo là chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương toàn cầu, dẫn dắt bởi Fed và ECB. Cuối cùng là sự tham gia của nhà đầu tư F0 và sự kỳ vọng tái mở cửa ở nhiều nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề dòng tiền tham gia thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch, Tổng giám đốc Fiingroup chia sẻ các chính sách của chính phủ hiện tại chỉ là liều pháp tâm lý là chính vì chủ yếu hỗ trợ cho các đối tượng nghèo khó, chưa thực sự có các gói mua, bơm tiền trực tiếp vào thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là dư địa cho thời gian tới.
CEO Fiingroup nhận định nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới tham gia đỡ thị trường) vẫn tiếp tục vào thị trường trong khi Fn (nhà đầu tư đã tham gia thị trường) đã bắt đầu rút. Kênh trái phiếu doanh nghiệp hút được dòng tiền trong thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm, ông Thuân cho hay, giá trị phát hành trái phiếu lên gần 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Về dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài, ông Thuân đánh giá không rút vốn nhiều như giai đoạn năm 2008-2009. Những nhà đầu tư ở lại đã có mức độ yêu thích nhất định đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị bán ròng chỉ 6 tháng đầu năm ở mức hơn 400 tỷ đồng nhưng nếu trừ giao dịch thỏa thuận VHM (15.100 tỷ đồng) thì khối ngoại cũng chỉ bán ròng hơn 15.5000 tỷ đồng. Từ đầu tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng nhẹ trở lại. Việc rút vốn này một phần đến từ một quỹ từ châu Âu rút toàn bộ khỏi các thị trường châu Á. Trong khi đó, giai đoạn 2008-2009, dòng vốn ngoại bán ròng khá mạnh, khoảng 2/3 trong tổng số vốn đầu tư 6,3 tỷ USD.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital đánh giá trong giai đoạn từ 2018 đến đầu 2020, kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào chu kỳ kinh tế nóng, tăng trưởng nhanh nhưng chưa đến mức độ quá nóng. Theo các tín hiệu và chu kỳ kinh tế, thị trường chứng khoán đã tạo đáy vào cuối tháng 3 và việc xuất hiện đáy cũ khó có khả năng xảy ra khi các ngân hàng trung ương đồng loạt hạ lãi suất xuống mức thấp và chính phủ bơm tiền vào thị trường tạo thanh khoản. Ông Phúc đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ và tất cả các bộ ngành trực tiếp liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. Hiện tại vẫn là thời điểm tốt để mua vào cổ phiếu.
Kịch bản thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Sơn chia sẻ nhiều khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh nhỏ trước làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19 và phục hồi vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, sự thanh lọc về cổ phiếu sẽ diễn ra rất rõ, dòng tiền phân hoá và sẽ quay lại những cổ phiếu cơ bản tốt, đầu ngành và mức định giá hấp dẫn trong thời gian tới. Ngoài ra, ông Sơn cũng nhận định nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại khi những phản ứng từ kinh tế vĩ mô rất tốt và sự ổn định về tỷ giá trong thời gian qua.
Về định giá, thị trường Việt Nam vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và từ giờ đến cuối năm, VN-Index có thể dao động trong khoảng 780 điểm đến 920 điểm. Nếu ở kịch bản lạc quan hơn, VN-Index có thể lên 950 điểm, ông Sơn nhận định.