Bên lề phiên họp cổ đông thường niên MB (HoSE:
MBB), Tổng giám đốc Lưu Trung Thái chia sẻ về diễn biến một số chỉ tiêu tài chính và định hướng kinh doanh năm 2020.
Ông Thái cho biết quý I, diễn biến giảm huy động nằm trong kế hoạch và ngân hàng vẫn đang giữ tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức ổn đinh, khoảng 73%. Ngân hàng không khó khăn trong việc huy động và vẫn kiểm soát các chỉ tiêu tài chính.
Theo BCTC, tiền gửi khách hàng của MB tại 31/3 ở mức 240.737 tỷ đồng, thấp hơn 12% so với đầu năm. Dư nợ cho vay giảm 1,3%, xuống 244.072 tỷ đồng. Giảm lượng huy động được cho là cách để ngân hàng giảm chi phí vốn trong bối cảnh giải ngân tín dụng vẫn gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
CEO MB đề cập ngân hàng cũng tận dụng nguồn vốn giá rẻ trên thị trường 2 thời gian qua, khi thanh khoản liên ngân hàng dồi dào. Tuy nhiên, lượng vốn sử dụng rất ít vì MB xác định dòng vốn này chỉ là giải pháp tình huống.
Theo ông Thái, năm nay nhìn chung tăng trưởng dư nợ sẽ khó khăn với ngành do dịch bệnh. Ngân hàng đã đưa ra các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu nợ vay… hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, MB cũng kết hợp giải ngân mới với khách hàng đủ điều kiện.
6 tháng đầu năm, tín dụng ngân hàng tăng 5%, trong khi chỉ tiêu được giao là 6-7%. Ông Thái mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ nới thêm để ngân hàng mở rộng giải ngân hỗ trợ nền kinh tế. MB sẽ hướng cho vay và các lĩnh vực phục hồi nhanh sau Covid-19 và các khách hàng có năng lực, phương án kinh doanh cụ thể. Đây cũng là cách để ngân hàng kiểm soát được nợ xấu phát sinh.
Vị tổng giám đốc cho biết kiểm soát nợ xấu sẽ là nhiệm vụ chủ chốt trong năm nay và các năm tới. Do đó, xây dựng nhưng biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu được ưu tiên. Các khách hàng mới cũng sẽ được lựa chọn thận trọng. Nhân viên ngân hàng cần tìm hiểu kỹ các dự án, nhu cầu vay mới để tư vấn chặt chẽ trên cơ sở đánh giá khách hàng chính xác.
Quý I, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên khách hàng khiến tỷ lệ nợ xấu MB tăng 38% lên hơn 4.004 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,16% lên 1,61%. Ngân hàng tăng chi phí dự phòng 117% so với cùng kỳ năm trước. "Đây là hành động phòng thủ của ngân hàng nhằm chuẩn bị nền tảng tốt cho thời gian tới", CEO MB chia sẻ.
Đề cập tại phiên họp thường niên, người đứng đầu Ban điều hành MB cũng cho biết lượng dư nợ của ngân hàng bị tác động của dịch bệnh ước tính chiếm tỷ trọng 25-30%. Ngân hàng đã tái cơ cấu nợ cho 3.000 khách hàng với dư nợ khoảng 7.000 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến thu nhập lãi giảm 10% do không được tính lãi dự thu với các khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01.
Những yếu tố trên cũng là nguyên nhân khiến lãnh đạo MB đặt kế hoạch thận trọng với lợi nhuận giảm 10% trong năm 2020. Bên cạnh cơ cấu nợ, việc hạ lãi suất cho vay cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, theo ông Thái, lãi suất năm nay thấp hơn mặt bằng năm 2019.
Dù vậy, nếu thị trường thuận lợi, CEO MB nói với cổ đông ngân hàng có thể phấn đấu đạt lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, tương đương nam 2019. Sau 6 tháng, lợi nhuận ngân hàng ước đạt 4.516 tỷ đồng, cao hơn 2-3% so với kế hoạch nửa đầu năm.