• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 6:39:46 SA - Mở cửa
'Tất tần tật' về Ngân hàng Bản Việt - tân binh sàn UPCoM
Nguồn tin: Vietnam Finance | 06/07/2020 10:07:05 SA
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.700 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa ngân hàng ngay khi lên sàn đạt gần 3.400 tỷ đồng.
 
Ngân hàng Bản Việt tiền thân là Ngân hàng Gia Định, được thành lập từ năm 1992. Năm 2012, ngân hàng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bản Việt. Trước đó, năm 2011, bà Nguyễn Thanh Phượng đã gia nhập ban lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt, cùng thời gian, ngân hàng cũng tiến hành tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
 
Bà Nguyễn Thanh Phượng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2013, sau đó "nhường ghế" cho ông Lê Anh Tài. Hiện bà đang giữ cương vị Thành viên HĐQT và nắm giữ trực tiếp 14,7 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Bản Việt (tương đương trên 4,6% vốn điều lệ).
 
Bà Nguyễn Thanh Phượng sinh năm 1980, nơi sinh tại Kiên Giang. Bà là cử nhân kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời là Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Đại học International University in Geneva.
 
Từ năm 2004 khi mới 24 tuổi, bà đã là Phó giám đốc tài chính của Công ty Holcim Vietnam Ltd. Hơn 2 năm sau, bà trở thành Giám đốc đầu tư của Vietnam Holding Asset Management.
 
Từ năm 2007 đến nay, bà là Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt và Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Bản Việt. Từ tháng 2/2012 đến nay, bà là Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt.
 
Về cơ cấu cổ đông, dữ liệu cuối năm 2012 (năm Ngân hàng Gia Định chính thức đổi tên thành Ngân hàng Bản Việt) cho thấy, ngân hàng này có 3 cổ đông lớn gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Khu Đô Thị Mới Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 13,62%; Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Đầu Tư Tấn Phát với tỷ lệ sở hữu 12,2% và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát Triển Hoa Lâm với tỷ lệ sở hữu 8,15%.
 
Tuy nhiên, theo dữ liệu tại ngày 18/2/2020, ngân hàng này chỉ còn 1 cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Đầu tư Khu Đô Thị Mới Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 12,88%.
 
Đáng chú ý, cổ đông tổ chức chỉ sở hữu tổng cộng hơn 20% vốn điều lệ ngân hàng, còn lại gần 80% là cá nhân.
 
Ngân hàng Bản Việt là một ngân hàng có quy mô nhỏ trong hệ thống với vốn chủ sở hữu chỉ 3.765 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020. Tổng tài sản ở mức gần 53.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay trên thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư) ở mức 34.760 tỷ đồng.
 
Về cơ cấu dư nợ cho vay, nợ ngắn hạn chiếm khoảng một nửa dư nợ, còn lại là nợ trung và dài hạn.
 
Ngân hàng này cho vay nhiều nhất ở lĩnh vực Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm tỷ trọng gần 27%), kế đến là lĩnh vực Xây dựng (chiếm tỷ trọng gần 18%) và Hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm tỷ trọng gần 15%).
 
Trong quý I/2020, Viet Capital Bank đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC, đưa nợ xấu về một bảng. Quy mô nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm hết ngày 31/3/2020 là 1.004 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,89%.
 
Bên cạnh cho vay tổ chức kinh tế và dân cư, ngân hàng này tích cực gửi tiền và cho vay các tổ chức tín dụng khác với quy mô tại thời điểm 31/3/2020 ở mức gần 9.500 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, cũng phải kế đến tài sản là các khoản lãi, phí phải thu với quy mô trên 1.100 tỷ đồng, lớn hơn cả tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết quý I/2020, đặt dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận của ngân hàng này.
 
Trên thực tế, với một ngân hàng có thời gian dài "vật lộn" với nợ xấu như Viet Capital Bank thì lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu. Trước khi mua lại trái phiếu đặc biệt tại VAMC và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 2,89% vào cuối quý I/2020 thì cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC của ngân hàng này ở mức 3,28%. Trước đó một năm, tỷ lệ nợ xấu còn lên đến 5,87%.
 
Nhẹ gánh nợ xấu nên kế hoạch kinh doanh thời gian tới của Ngân hàng Bản Việt cũng "mạnh bạo" hơn, bất chấp ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Theo đó, năm nay, kế hoạch tổng doanh thu của ngân hàng tăng 29% so với năm ngoái, lên 1.453 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế kế hoạch tăng 27%, lên 160 tỷ đồng.
 
Để đạt được kế hoạch trên, phía Ngân hàng Bản Việt cho biết đối với nhóm khách hàng cá nhân, ngân hàng sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mảng tín chấp và sản xuất kinh doanh phân khúc nhóm sản phẩm mang lại margin cao và tỷ lệ nợ quá hạn thấp; cùng với đó, đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng để tăng thu nhập từ thẻ; đồng thời tăng cường thu nhập từ dịch vụ để hạn chế sự phụ thuộc vào thu nhập từ lãi.
 
Đối với khối khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tập trung khai thác phân khúc khách hàng vừa và nhỏ - SMEs (quy mô SMEs hiện chiếm 70% dư nợ); thêm vào đó, tập trung đẩy mạnh cho vay ngắn hạn trong cơ cấu chung theo hướng dư nợ ngắn hạn chiếm 60% dư nợ, hạn chế cho vay trung dài hạn lớn và đầu tư kinh doanh bất động sản.