Theo Nikkei Asian Review, nhiều công ty Trung Quốc đang gấp rút triển khai kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Mỹ trước khi Washington siết chặt quy định liên quan tới kênh huy động vốn này.
Sốt sắng IPO
Ngày 7/8, KE Holdings - nền tảng bất động sản trực tuyến được Tencent Holdings và SoftBank Group đầu tư, và Xpeng - hãng ôtô điện được Alibaba Group chống lưng, đã nộp cáo bạch công khai chuẩn bị cho IPO trên sàn chứng khoán New York, chỉ một ngày sau khi Nhóm công tác của Tổng thống Donald Trump về Thị trường Tài chính đưa ra khuyến nghị rằng tất cả công ty Trung Quốc muốn IPO tại Mỹ phải nộp hồ sơ kiểm toán cho nhà chức trách.
Theo hãng cung cấp dữ liệu Dealogic, KE Holdings, còn được gọi là Beike Zhaofang, có thể huy động tới 2,01 tỷ USD ở mức định giá cổ phiếu cao nhất. Đây sẽ là IPO lớn nhất tại Mỹ của một công ty Trung Quốc trong 2 năm qua. Trong khi đó, Xpeng dự kiến huy động khoảng 500 triệu USD, theo ngân hàng đầu tư Renaissance Capital của Mỹ.
Các công ty Trung Quốc cũng đang ráo riết chuẩn bị IPO ở Mỹ gồm có Lufax - nền tảng quản lý tài sản trực tuyến được tập đoàn bảo hiểm Ping An đầu tư, và ChinData - hãng vận hành trung tâm dữ liệu được Bain Capital đầu tư. Lufax có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD, còn ChinData đặt mục tiêu huy động khoảng 500 triệu USD, theo nguồn tin thân cận của Nikkei Asian Review.
Cả Xpeng và KE Holdings trước đó đều âm thầm nộp hồ sơ IPO mà không công bố thông tin. Theo các nhà phân tích, nhiều công ty khác bí mật đăng ký IPO có thể sẽ công khai trong vài ngày tới.
Li Auto, đối thủ của Xpeng, được đầu tư bởi ByteDance và Meituan Dianping, đã huy động được 1,1 tỷ USD khi IPO tại New York hôm 30/7. Đây là IPO lớn nhất của Trung Quốc từ đầu năm đến nay.
“Các công ty chắc chắn đã đánh giá rủi ro liên quan tới các động thái của nhà chức trách Mỹ khi bắt đầu chuẩn bị niêm yết và xác định Mỹ là lựa chọn tốt nhất để IPO”, Shujin Chen, nhà phân tích mảng tài chính của hãng môi giới Jefferies tại Hong Kong, nhận định.
Trong cáo bạch, Xpeng cho biết việc siết chặt quy định niêm yết của SEC có thể gây “ảnh hưởng tiêu cực” tới giá cổ phiếu của công ty hoặc khiến cổ phiếu phải ngừng giao dịch trên sàn.
KE Holdings cũng đưa ra cảnh báo tương tự với các nhà đầu tư tiềm năng, cho biết công ty “có thể bị hủy niêm yết trên Sàn chứng khoán New York hoặc hủy đăng ký tại SEC".
Mỹ có phải lựa chọn tốt nhất?
Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) được dự báo sẽ sớm ban hành các quy định mới trong đó siết chặt quy định công bố thông tin đối với các công ty Trung Quốc IPO ở nước này. Những công ty đã niêm yết sẽ có thời hạn tới ngày 1/1/2022 để tuân thủ quy định về công bố hồ sơ kiểm toán của SEC - điều mâu thuẫn với luật bảo mật của Trung Quốc. Những công ty không tuân thủ sẽ buộc phải hủy niêm yết.
Trước đó, hôm 4/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Nhóm công tác của Tổng thống về Thị trường Tài chính đánh giá những rủi ro của cổ phiếu Trung Quốc đối với nhà đầu tư Mỹ. Động thái này nhằm gây áp lực với Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và việc Bắc Kinh siết kiểm soát tại Hong Kong.
Yêu cầu của ông Trump được đưa ra sau một loạt bê bối tài chính tại các công ty Trung Quốc, điển hình là Luckin Coffee. Cổ phiếu của Luckin trên sàn Nasdaq đã sụt hơn 90% sau khi điều tra nội bộ cho thấy công ty này đã khai khống 300 triệu USD doanh thu, lừa dối nhà đầu tư.
Trong thời gian yêu cầu của ông Trump đang được thực hiện, từ giữa tháng 6 tới đầu tháng 8, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 2 tỷ USD qua IPO tại Mỹ, theo dữ liệu từ Dealogic.
Theo nhà phân tích Chen của Jefferies, với những công ty đã bắt đầu chuẩn bị IPO, động thái mới nhất của Mỹ là một rào cản và có thể khiến họ tạm dừng kế hoạch này và tìm giải pháp thay thế.
Năm ngoái, khi một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ kêu gọi hạn chế các công ty Trung Quốc tham gia thị trường tài chính Mỹ, nhiều công ty đã trở về niêm yết lần hai tại Sàn chứng khoán Hong Kong như Alibaba, JD.com và NetEase. Hiện có khoảng 42 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ đủ điều kiện để niêm yết lần hai tại Hong Kong.
Theo dữ liệu từ Citigroup, từ năm 1993 đến nay, có 354 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, huy động được tổng cộng 88,5 tỷ USD. Đến nay, 107 trong số công ty đã hủy niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa của các công ty còn lại là 1.500 tỷ USD.