Dow Jones giảm 80,12 điểm, tương đương 0,29%, xuống 27.896,72 điểm. S&P 500 giảm 6,92 điểm, tương đương 0,2%, xuống 3.373,43 điểm. Nasdaq tăng 30,27 điểm, tương đương 0,27%, lên 11.042,5 điểm.
S&P 500 trong phiên có lúc chạm 3.387,24 điểm, vượt mức đóng cửa lịch sử 3.386,15 điểm hôm 19/2. Chỉ số sau đó đảo chiều do nhà đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ có thể sắp suy giảm mạnh nhất kể từ Đại Suy thoái. Đỉnh lịch sử trong phiên của S&P 500 là 3.393,52 điểm cũng thiết lập ngày 19/2.
Cổ phiếu Cisco Systems mất giá 11,2% sau khi công ty công bố doanh thu và lợi nhuận quý I thấp hơn ước tính, kéo tụt Dow Jones và S&P 500. Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại liên quan lợi nhuận doanh nghiệp bất chấp phần lớn công ty trong S&P 500 đều có lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng trong quý II.
“Triển vọng lợi nhuận trong vài quý tới dường như sẽ giảm bởi ảnh hường từ nhiều công ty lớn”, Peter Tuz, chủ tịch Chase Investment Counsel tại Charlottesville, bang Virginia, nói, nhắc đến S&P 500. “Tình trạng đó đang khiến thị trường đi ngang, không có xúc tác thực sự để bật tăng, vượt ngưỡng cản”.
Phố Wall được hỗ trợ sau thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 8/8 là 963.000, lần đầu tiên xuống dưới 1 triệu sau 5 tháng, từ khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Số liệu tháng trước cho thấy kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được 9,3 triệu việc làm trong số 22 triệu việc làm biến mất trong tháng 2 – 3, cho thấy con đường trở về thời điểm trước đại dịch còn dài.
Nhà đầu tư tiếp tục hy vọng phe Dân chủ và Nhà Trắng có thể đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo. Trợ cấp thất nghiệp là một trong những vấn đề gây bất đồng.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dần trở thành yếu tố gây bất ổn cho thị trường với ngày bầu cử 3/11 ngày càng gần.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 13/8 là 8,7 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,2 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.