Câu chuyện CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL) vừa hoàn tất việc mua lại CTCP Kho vận miền Nam (Sotrans) cho thấy cuộc đua thâu tóm thị phần kho vận ở Việt Nam của khối ngoại sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới khi mà các doanh nghiệp nội đang yếu thế.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hôm 19/8 đã đề nghị các bên liên quan cung cấp thông tin về việc tập trung kinh tế giữa ITL và Sotrans.
Từ chuyện ITL “mua đứt” Sotrans
Cơ quan này dẫn lại thông tin trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM vào tháng 6/2020 cho biết, ITL sẽ mua lại 57,199 triệu cổ phiếu của Sotrans để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Sotrans từ 41,784% lên 100%.
Thị phần kho vận ở Việt Nam đang nằm trong bàn tay thâu tóm của khối ngoại
Trong khi đó, một số thông tin cho thấy ITL (hiện có 70 văn phòng đại diện ở Đông Nam Á, khai thác hàng hóa cho 200 chuyến bay mỗi tuần, đội xe 180 đầu kéo container, hệ thống kho bãi 10ha) đã hoàn tất mua lại Sotrans cách đây vài ngày sau khi nhận chuyển nhượng hơn 57 triệu cổ phiếu ở Sotrans từ Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).
Lãnh đạo của ITL cũng cho biết việc mua lại Sotrans sẽ giúp cho họ tận dụng năng lực của một doanh nghiệp (DN) đứng đầu về thị trường hàng không với một DN dẫn đầu về cảng, logistics cảng và ICD.
Trên website của mình, Sotrans tự giới thiệu họ từng nằm trong tốp 3 nhà cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam và hiện có hơn 230.000m2, nằm tại trung tâm Tp.HCM, các khu vực lân cận và các khu công nghiệp tiếp giáp với sông Sài Gòn thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lẫn đường sông.
Tuy nhiên, doanh thu của DN này hồi năm ngoái được cho là đã sụt giảm đến 22,8% (đạt khoảng 1.800 tỷ đồng) so với năm 2018. Hồi tháng 3/2020, ITL cũng đã thể hiện rõ ý đồ thâu tóm Sotrans thông qua việc chạy đua sở hữu cổ phần.
Giám đốc Vận hành ITL Amanda Rasmussen từng trả lời giới truyền thông rằng ITL sẽ đầu tư thêm 70 triệu USD trong năm 2020 để tăng cường vị thế tại Việt Nam và trong khu vực thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Cần nhắc lại, trong trung tuần tháng 8/2020 vừa qua, IFC - thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho ITL ở Việt Nam.
Ông Ben Anh, Tổng giám đốc ITL, nói rằng khoản vay này sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống kho vận hiện tại cũng như mở rộng mạng lưới và danh mục kinh doanh.
Có thể thấy, thị trường kho vận ở Việt Nam đang là mảnh đất khá màu mỡ để các DN lớn có dòng vốn nước ngoài nhắm đến thông qua việc mua cổ phần hoặc mua tài sản của những DN nội địa có tiềm lực mỏng.
Khối nội đánh mất mình?
Thực ra, hoạt động rót vốn đầu tư hoặc M&A của khối ngoại trong lĩnh vực này đã nhộn nhịp từ 2 - 3 năm trước. Như hồi năm 2018, số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực vận tải và kho bãi được cấp phép theo ngành kinh tế đã là 486,75 triệu USD.
Có thể kể những thương vụ M&A lớn ở lĩnh vực này cách đây 2 năm như CTCP Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics… Hoặc như Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Gemadept.
Hoặc như năm 2019, Tập đoàn tài chính Mirae và Naver Hàn Quốc đã mua lại 2 trung tâm cung ứng hàng hóa ở miền Bắc với giá trị khoảng 47 triệu USD. Rồi Công ty Mapletree Logistics Trust hoàn tất việc mua lại một kho bãi tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I ở tỉnh Bình Dương với giá khoảng 31,5 triệu USD.
Bản thân ITL, với nhiều cổ đông nước ngoài, hồi tháng 7 năm ngoái cũng được Công ty Symphony International Holdings (Singapore) chi ra 42,6 triệu USD để nắm giữ 28,57% cổ phần.
Trong quá trình thâu tóm này có thể thấy sự yếu thế của các DN ngành kho vận trong nước khi mà khối ngoại đang chiếm đến 70% thị phần kho vận ở Việt Nam. Và khi mà những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 ngày càng khiến cho họ dễ đánh mất mình.
Nói về động thái của nhà đầu tư ngoại trong ngành kho vận trước đại dịch Covid-19, giám đốc cấp cao về thị trường vốn tại Việt Nam của một công ty nghiên cứu thị trường cho rằng ngành kho vận ở Việt Nam đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế có năng lực tài chính mạnh mẽ, các thương vụ M&A sắp tới sẽ đa dạng và phức tạp hơn.
Đặc biệt là với các DN kho vận nội địa đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh đã tạo áp lực ngắn hạn lên dòng tiền và thanh khoản. Khi đó, họ sẽ tích cực tìm kiếm đối tác vốn.
Thực tế cho thấy, thách thức lớn với các DN kho vận nội địa hiện nay là không đủ năng lực tài chính và nguồn lực hỗ trợ để phát triển tiếp lên giai đoạn mở rộng kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điểm yếu lớn của DN kho vận nội địa còn ở việc chưa áp dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong vận tải giao hàng nội địa, trong khi với giao hàng quốc tế thì chủ yếu thuê ngoài dịch vụ của các DN kho vận toàn cầu.
Đó là lý do vì sao mà các DN nước ngoài với tiềm lực mạnh đang từng bước thu hẹp dần thị phần của khối nội, và một trong cách tốt nhất, nhanh nhất chính là M&A.