-
Động thái mua cổ phiếu công ty khai thác vàng của Buffett diễn ra sau khi ông bán ra loạt cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo & Co và JPMorgan Chase & Co.
-
Các nhà phân tích cho rằng nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn khi mua vàng.
Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, từ lâu đã bài xích việc đầu tư vào vàng. Theo ông, đổ tiền vào vàng "không hiệu quả" và đây cũng là kim loại quý tốn diện tích cũng như chi phí để lưu trữ. Trên thực tế, vàng không sinh ra lợi nhuận và đầu tư vào vàng cũng không được nhận cổ tức hay tiền lãi giống những tài sản tích lũy khác như trái phiếu chính phủ. Thậm chí, ở một số nước theo luật Hồi giáo, người giữ vàng còn phải nộp thuế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá vàng liên tục tăng mạnh, lập mốc cao nhất mọi thời đại 2.070 USD/ounce hôm 1/7 và tăng gần 30% từ đầu năm đến nay. Điều này khiến nhiều này đầu tư bắt đầu hoài nghi về cơn sốt vàng này.
Tính từ đầu năm 2020, giá vàng đã tăng gần 30%. Ảnh: AFP
Giao dịch bất ngờ của nhà đầu tư huyền thoại
Theo các nhà phân tích, làn sóng dịch chuyển đầu tư sang các sản phẩm liên quan tới vàng xuất phát từ loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ quyết liệt của nhiều nước phát triển, đặc biệt là những chương trình mua lại trái phiếu quy mô lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giảm lãi suất đẩy lợi suất trái phiếu giảm. Hiện tại, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức quanh 0,645.
Tuy nhiên, ngày 14/8, tỷ phú Buffett gây bất ngờ khi công ty của ông, Berkshire Hathaway, chi 563 triệu USD mua 21 triệu cổ phiếu của Barrick Gold - công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới. Động thái này càng đặc biệt hơn khi nó diễn ra sau khi ông bán ra loạt cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo & Co và JPMorgan Chase & Co.
Đáng chú ý, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến vàng đã bắt đầu từ năm ngoái, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Khi đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng về áp lực lạm phát ngày càng lớn do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cần lưu ý rằng khoản đầu tư mới đây của Berkshire Hathaway chỉ là một số tiền nhỏ so với quỹ tiền mặt của công ty này, và cũng không phải đầu tư trực tiếp vào vàng. Hơn nữa, một số nhà phân tích cho rằng Berkshire Hathaway đầu tư vào Barrick Gold là do tiềm năng lớn về dòng tiền của công ty này.
Theo Datuk Seri Meer Sadik, chủ tịch công ty Habib Jewels Sdn Bhd, trên thực tế giá vàng đã tăng gấp hơn 10 lần trong 20 năm qua.
“Các nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư vào vàng. Dù là tài sản không sinh lợi nhuận, vàng luôn là một công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát và bảo toàn giá trị", Meer Sadik cho biết. Vàng cũng được coi là “vịnh tránh bão” trong các giai đoạn kinh tế bất ổn và thị trường biến động.
Theo Datuk Seri Meer Sadik, Chủ tịch công ty Habib Jewels, nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn khi mua vàng. Ảnh: The Star Myanmar
Nói về động thái mới đây của tỷ phú Buffett, Meer Sadik cho rằng khoản đầu tư của Berkshire Hathaway vào một công ty khai thác vàng được thực hiện ngay thời điểm giá vàng ở mốc cao nhất mọi thời đại.
“Khoản đầu tư đó tương đối nhỏ so với ngân quỹ khổng lồ của Berkshire Hathaway nhưng đây vẫn là động thái đáng chú ý, đặc biệt là khi Buffett nổi tiếng với nguyên tắc đầu tư giá trị”, Meer Sadik nói.
Khi được hỏi về việc giá vàng đã hạ nhiệt những phiên gần đây, Meer Sadik cho rằng giá vàng đang được điều chỉnh sau các đợt tăng liên tiếp trước đó. Sau khi cán mốc kỷ lục 2.070 USD/ounce vào đầu tháng 7, giá vàng đã giảm và hiện giao dịch quanh mức 1.900 USD.
Cơn sốt vàng sẽ còn tiếp tục?
Ông Meer Sadik của Habib Jewels dự báo vàng vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng giá trong môi trường lãi suất thấp, đồng USD suy yếu và bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 và các biện pháp kích thích quy mô lớn của Fed.
“Giá vàng đã tăng gần 18% trong năm ngoái do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng thêm 30% từ đầu năm đến nay”, Meer Sadik cho biết. “Nhằm ứng phó với dịch bệnh, các quốc gia trên thế giới sẽ tung ra những biện pháp kích thích kinh tế chưa từng thấy, theo đó nền kinh tế sẽ được bơm nhiều tiền hơn nữa”.
“Với lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục trên toàn cầu và việc nới lỏng tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật, chúng tôi dự báo giá vàng sẽ còn duy trì ở mức cao", ông nhận định.
Đồng quan điểm, một số nhà phân tích cho rằng giá vàng có thể sẽ tăng trở lại vượt mức 2.000 USD/ounce. Yeoh Keat Seng, quản lý quỹ đầu tư Kumpulan Sentiasa Cemerlang, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao nếu vẫn còn các yếu tố bất ổn của thị trường, đặc biệt là kết quả phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, khả năng đồng USD có thể suy yếu thêm cũng là yếu tố đẩy giá vàng lên cao.
“Vàng thường biến động ngược so với lãi suất và USD”, ông Cemerlang cho biết. “Khi lãi suất thấp, chi phí để giữ vàng sẽ thấp hơn”.
Dù công nhận vàng không có giá trị nội tại thực sự như trái phiếu hay cổ phiếu, ông cho rằng các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vàng làm công cụ tích trữ giá trị an toàn trong những giai đoạn bất ổn. Ông cho biết đầu tư sản phẩm liên quan tới vàng, như quỹ hoán đổi danh mục (ETF), khác với đầu tư vào vàng vật lý ở tính linh hoạt cho nhà đầu tư.
“Chênh lệch giữa mua và bán ETF nhỏ hơn so với việc mua vàng vàng vật lý tại cửa hàng. Và mua vàng vật lý thường phức tạp hơn", Cemerlang cho biết.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng tiền rót khoảng 7,4 tỷ USD vào các quỹ ETF vàng trong tháng 7.