-
Nhiều ngân hàng đang triển khai chuyển cổ phiếu từ thị trường UPCoM hoặc HNX sang HoSE, một số dự kiến sẽ đăng ký giao dịch trong quý IV.
-
Các nhà băng chuyển sàn nhằm đón đầu việc hợp nhất 2 sở giao dịch, đồng thời để tăng thanh khoản cho cổ phiếu và tiếp cận dòng vốn.
-
Một số chuyển sàn nhằm nâng cao hình ảnh và thương hiệu của ngân hàng.
Diễn biến cổ phiếu
ACB gần đây sôi động sau khi ngân hàng thông báo triển khai đăng ký giao dịch HoSE. Phiên 20/8, mã này khớp lệnh kỷ lục gần 19,5 triệu cổ phiếu, giá trị 403,6 tỷ đồng. Trước đó,
ACB cũng ghi nhận phiên thỏa thuận hơn 15,6 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 430 tỷ đồng.
Giữa tháng 8, HĐQT
ACB thông qua thực hiện đăng ký niêm yết toàn bộ cổ phiếu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP HCM (HoSE) từ quý III đến khi hoàn tất thủ tục.
Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết việc chuyển sàn của
ACB có thể diễn ra trong tháng 11 hoặc 12, sau khi trả cổ tức. Lãnh đạo ngân hàng đề cập Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HoSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HoSE chỉ là vấn đề thời gian.
Thực tế,
ACB luôn là cổ phiếu kín “room” ngoại được nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Mã này chiếm tỷ trọng thứ hai trong danh mục của Vietnam Enterprise Investments Limited – VEIL (9% NAV). Theo quỹ này, tỷ lệ premium khi giao dịch thỏa thuận cổ phiếu
ACB ngoài sàn giữa các nhà đầu tư ngoại cao hơn 10% so với thị giá trên sàn, đứng thứ ba trên thị trường sau
MWG (45%) và FPT (20%).
Sau khi chuyển sang HoSE, cổ phiếu
ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… Các quỹ mô phòng chỉ số sẽ cho phép khối ngoại gián tiếp đầu tư vào
ACB.
Phiên họp cổ đông của ACB thông qua chuyển sàn. Ảnh: L.Hải.
Bên cạnh
ACB,
SHB cũng dự kiến chuyển sàn từ HNX sang HoSE. Giao dịch của cổ phiếu
SHB gần đây cũng đột biến. Phiên 24/8, gần 12 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, giá trị hơn 165 tỷ đồng. Tuần trước, mã này cũng có phiên thỏa thuận hơn 10,5 triệu cổ phiếu, tương đương gần 122 tỷ đồng.
SHB đang muốn thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV
SHB (
SHB Finance) cho nhà đầu tư ngoại. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch
SHB, cho biết sẽ lựa chọn đối tác ngoại đồng hành, đi đường dài, cộng hưởng trong chiến lược kinh doanh của 2 bên.
Nếu
ACB và
SHB sang HoSE, HNX sẽ mất đi 2 doanh nghiệp niêm yết vốn hóa tỷ USD lớn nhất. Trên sàn UPCoM, 2 ngân hàng cũng dự kiến niêm yết HoSE năm nay là
VIB và LienVietPostBank.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT
VIB, cho biết dự kiến lên sàn HoSE trong tháng 11 nếu các thủ tục thuận lợi. Vừa qua,
VIB thông báo họp bất thường bán việc tăng vốn điều lệ. Tại phiên họp thường niên 2020, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 9.245 tỷ lên 11.094 tỷ đồng từ chi trả cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 20%.
Trong khi đó, LienVietPostBank đã nộp hồ sơ niêm yết vào cuối tháng 7 và cam kết sẽ hoàn thành lên sàn HoSE trong năm 2020. Ngân hàng này cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 4,99% vốn.
Một số đơn vị khác như SeABank cam kết lên sàn HoSE hoặc UPCoM năm nay. NamABank đầu năm cũng được thông qua kế hoạch niêm yết hoặc đăng ký giao dịch.
Tiếp cận dòng vốn và “mở cửa” thông tin
HoSE là sàn chứng khoán có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất của Việt Nam, đây là lý do nhiều tổ chức ngoại chủ yếu lựa chọn các cổ phiếu trên sàn này để giao dịch, một số bị giới hạn tỷ trọng đầu tư các cổ phiếu trên HNX và UPCoM. Bên cạnh đó, các bộ chỉ số được nhiều quỹ mô phỏng chủ yếu bao gồm các cổ phiếu niêm yết trên HoSE, khiến thị trường này thu hút và hấp dẫn dòng vốn.
Có mặt trên HoSE đồng nghĩa các tổ chức thỏa mãn điều kiện về vốn hóa, kết quả kinh doanh, năng lực tài chính và phải đáp ứng các điều kiện công bố thông tin chặt chẽ nhất trong 3 sàn chứng khoán. Qua đó, các doanh nghiệp và ngân hàng nói riêng có thể nâng cao hình ảnh, thương hiệu trên thị trường, từ đó có thể tiếp cận dòng vốn lớn hơn.
Trong 4 trường hợp chuyển sàn HoSE, ngoài việc đón đầu sáp nhập sở giao dịch, các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn hoặc đang giao dịch, tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Các ngân hàng đang dần đáp ứng các điều kiện niêm yết. Ảnh: TCTT.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang từng bước tiếp cận các chuẩn mức thế giới, trong đó có Basel II với 3 trụ cột. Thông tư 41/2016 yêu cầu các nhà băng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II. Một trụ cột khác là kỷ luật thị trường liên quan đến việc công bố các báo cáo thông tin định kỳ theo quy định Thông tư 41 và cuối cùng là trụ cột liên quan đến đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP).
Với việc từng bước áp dụng tiêu chuẩn của Basel II, các ngân hàng đã từng bước có thể song song thỏa mãn điều kiện lên sàn HoSE. Do đó, vấn đề tiêu chuẩn niêm yết với các nhà băng sớm có thể đáp ứng. Việc chuyển sàn hay niêm yết chỉ là vấn đề thời gian, khi ngân hàng có nhu cầu. Đây cũng là lý do nhiều đơn vị vẫn chưa lên sàn.
Vừa qua, MSB đã rút kế hoạch niêm yết HoSE do đánh giá thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Một đơn vị khác là OCB trình kế hoạch niêm yết, lên sàn 3 năm nhưng chưa thực hiện. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết việc niêm yết còn phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Nếu thị trường không thuận lợi, niêm yết sẽ khó đem lại lợi ích cho cổ đông do thị giá cổ phiếu đạt thấp. Theo ông Tuấn, chủ trương của HĐQT OCB là muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Vừa qua, OCB đã hoàn tất bán 15% vốn cho Aozora, đối tác Nhật.