Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – ngân hàng, làn sóng giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 7 tới nay, cùng với dịch bệnh quay trở lại khiến nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của khách hàng cũng có xu hướng dịch chuyển về các kỳ hạn ngắn.
Lãi suất ngân hàng liên tục giảm
Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không thực hiện bất kỳ giao dịch bơm/hút tiền trên thị trường mở. Dù vậy, thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn hết sức dồi dào. Điều này thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng dao động ở vùng thấp kỷ lục trong gần như suốt tháng và chỉ nhích nhẹ vào cuối tháng.
Báo cáo của NHNN cho thấy, hiện nay lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,0 - 7,3%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp. Đến ngày 31/7/2020, lãi suất liên ngân hàng qua đêm 0,21%/năm; kỳ hạn 1 tuần 0,3%/năm; kỳ hạn 2 tuần 0,37%/năm; kỳ hạn 1 tháng 0,61%/năm.
Có thể thấy, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2% so với cuối năm 2019 ở phần lớn các ngân hàng thương mại. Tính bình quân, lãi tiền gửi đã giảm 70 - 90 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 100 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 1 năm so với mức bình quân năm 2019.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất cho vay thấp hơn từ 2 – 4% so với thời điểm cuối năm 2019 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,0%/năm.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, khiến dòng tín dụng bị “tắc” đầu ra.
NHNN cho biết, tính đến ngày 28/7, huy động vốn tăng 5,31%, tuy nhiên, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%).
Tăng trưởng tín dụng chậm lại đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Điển hình, Kienlongbank là một trong những nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong 6 tháng qua khi phần lớn các mảng kinh doanh đều có dấu hiệu sa sút.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận 103 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hay BacABank, lợi nhuận trước thuế riêng quý II/2020 giảm 8,5% so với cùng kỳ, đạt gần 175 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm 6,2%, cộng thêm với sự tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro (hơn 45%) đã khiến lợi nhuận trước thuế ngân hàng giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu vốn tiếp tục giảm
Theo nhận định của các chuyên gia với việc thanh khoản các ngân hàng hiện nay đang dồi dào, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện so với 6 tháng đầu năm.
Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đề cập trong báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận, các ca lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng gần đây có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh, khiến nhu cầu vốn trong thời gian tới giảm.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 22 về việc giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% về 37% đang được lấy ý kiến với thời hạn được lùi lại 6 tháng hoặc 1 năm. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống được dự báo sẽ vẫn ở trạng thái tích cực trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND cũng đang giảm về vùng giá mua vào của NHNN và điều này được nhìn nhận sẽ giúp cải thiện dự trữ ngoại hối nên nhiều khả năng cũng sẽ có một lượng tiền đồng (VND) mới được bơm vào hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo vẫn ở trạng thái tích cực trong tháng 8.
Về phía cơ quan điều hành, BVSC cho rằng sau khi đã mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành 2 lần trong nửa đầu năm 2020, NHNN được dự báo sẽ không chú trọng mục tiêu giảm thêm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2020. Thay vào đó, NHNN sẽ chuyển mục tiêu từ cố gắng giảm lãi suất sang các mục tiêu khác như tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch Covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công có độ lan tỏa cao.