Báo cáo tài chính quý II của 3 "ông lớn" ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank năm nay đều có một điểm chung: tiền gửi của kho bạc nhà nước - vốn là lợi thế của những nhà băng này- đều giảm mạnh.
Cụ thể, tại ngày 30/6, lượng tiền gửi có kỳ hạn của kho bạc nhà nước tại BIDV chỉ ở mức 13.000 tỷ đồng, giảm 85% so với đầu năm, tức không bằng 1/6 so với đầu năm.
Tương tự, tại VietinBank, lượng tiền gửi của kho bạc nhà nước cũng giảm mạnh 37% xuống còn 44.380 tỷ đồng.
Song đáng chú ý hơn là tại Vietcombank, lượng tiền gửi thanh toán của kho bạc nhà nước giảm mạnh từ 89.288 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 992 tỷ đồng, tức giảm tới 89%. Trong đó, kho bạc nhà nước đã rút toàn bộ hơn 87.800 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại Vietcombank, chỉ để lại tiền gửi không kỳ hạn.
Đơn vị: tỷ đồng
Việc tiền gửi của kho bạc nhà nước giảm mạnh tại 3 ngân hàng này là do Thông tư 58/BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/11/2019. Theo đó, lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về tài khoản để ở Ngân hàng Nhà nước thay vì để tại các ngân hàng thương mại; còn lại tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức này được thực hiện qua đấu thầu khối lượng và lãi suất.
Trước đây, 3 ngân hàng trên luôn nhận được lượng tiền gửi lớn của kho bạc nhà nước, có những thời điểm lượng tiền lên tới 500.000 tỷ đồng. Điều này đã giúp Vietcombank, VietinBank, BIDV có được lợi thế rõ rệt về huy động vốn so với các ngân hàng khác. Nguồn tiền gửi của kho bạc tại các ngân hàng thương mại luôn được xem là nguồn vốn giá rẻ vì lãi suất thấp, giúp các ngân hàng tối ưu được chi phí đầu vào, có điều kiện giảm lãi suất cho vay và tạo nên vị thế cạnh tranh khác biệt so với các ngân hàng tư nhân.
Theo đó, sự sụt giảm tiền gửi kho bạc nhà nước có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi thế của các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh các nhà băng đang rất cần nguồn vốn giá rẻ để đảm bảo kết quả kinh doanh khi giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.