Tích lũy thêm tiền, phát triển mảng Cloud
Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến chiều nay, Tổng giám đốc
FPT ông Nguyễn Văn Khoa cho biết doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và lên sẵn các kịch bản kinh doanh trong trường hợp dịch được kiểm soát tốt và trường hợp dịch bệnh tiếp tục lan rộng.
“Tất cả lãnh đạo level 5 vẫn của
FPT vẫn đang giảm lương với tỷ lệ 20%. Ngay khi dịch bùng phát trở lại vào 26/7, chúng tôi đã chủ động chuyển đổi sang làm việc tại nhà trên toàn quốc. Trong đợt 2 này,
FPT có 51% lao động làm việc tại nhà, tương đương 14.260 nhân viên”, ông Khoa chia sẻ.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) Nguyễn Thế Phương cho biết doanh thu công ty tăng 9% lên 13.611 tỷ đồng và LNST tăng 13,5% lên 2.021 tỷ đồng. Công ty cũng thực hiện thay đổi chỉ tiêu từng quý để ứng phó và điều chỉnh nội bộ kịp thời.
Lãnh đạo
FPT chỉ ra lượng tiền doanh nghiệp sở hữu đã tăng từ khoảng 10.000 tỷ lên 13.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ khi công ty thay đổi chính sách quản trị hàng tồn kho và thu hồi công nợ.
Ông Phương cho biết thêm là công ty tự tin dòng tiền vẫn ổn định nên HĐQT đã quyết định vẫn tạm ứng cổ tức 10% cho cổ đông. Ngoài ra, HĐQT còn thông qua việc thành lập đơn vị kinh doanh mới khi thành lập công ty Smart Cloud vốn 100 tỷ đồng, tập trung chính vào mảng Cloud (điện toán đám mây) và AI (trí tuệ nhân tạo).
Ông khẳng định thị trường này có tổng giá trị khoảng hơn 100 triệu USD năm 2019 và dự kiến tăng 25-30% các năm tới, hứa hẹn đầy tiềm năng.
FPT có đủ cơ sở để đầu tư kinh doanh mảng mới này do công ty từng hoạt động mảng này, nhiều nhân sự có kinh nghiệm, có quan hệ đối tác với các hãng Cloud lớn trên thế giới và cuối cùng là đơn vị tư nhân có tính chuyên nghiệp cao nên cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Bổ sung thêm, ông Khoa nhấn mạnh với mảng Cloud, công ty xác định không cạnh tranh với các "ông lớn" trên thế giới như Microsoft hay Google mà là trở thành đối tác với họ để cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tự xây dựng nền tảng Cloud. Đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn và hiện
FPT mới cung cấp một số dịch vụ liên quan ở mức cơ bản, cần phải đầu tư thêm.
Phát triển sản phẩm Made by FPT
Trước đây, Tập đoàn
FPT tập trung chủ yếu vào cung cấp dịch vụ; tuy nhiên công ty đang có các giải pháp để phát triển sản phẩm có thương hiệu (Made by
FPT), gia nhập cuộc chơi của những gã khổng lồ về công nghệ như IBM, Alphabet, Microsoft…
Thống kế từ Microsoft, thị trường phần mềm tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 18,2% trong năm 2019 và ước tính đạt đến quy mô 582 triệu USD vào năm 2021, thậm chí được thúc đẩy nhanh hơn nữa bởi xu hướng chuyển đổi số.
Mục tiêu dài han của
FPT là lọt vào top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn điện đến 2030. Giai đoạn 2020-2022, mục tiêu doanh thu dịch vụ công nghệ là 1 tỷ USD, trong đó doanh thu chuyển đổi số chiếm 40-50% và có 10.000 khách hàng là doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Một số sản phẩm có thương hiệu đã thành công như akaBot, CyRadar,
FPT.AI,
FPT Spro… Sản phẩm Made by
FPT ghi nhân doanh thu nửa đầu năm 361 tỷ đồng và mục tiêu cho cả năm là 800 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dự kiến 2020-2025 là 45%/năm.
Nói thêm về doanh thu sản phẩm Made by
FPT, ông Phương cho biết hiện doanh thu chủ yếu vẫn ở trong nước, thị trường trọng điểm nhờ nhu cầu phần mềm và chuyển đổi số rất lớn. Doanh thu nước ngoài chỉ mới chiếm 15%.
CFO
FPT chia sẻ rằng tỷ suất lợi nhuận của các sản phẩm có thương hiệu cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với việc cung cấp các dịch vụ như hiện nay chỉ khoảng 16-17%.
Các thị trường nước ngoài của Fsoft vẫn tăng trưởng tốt
Chia sẻ về mảng công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài, Phó Tổng giám đốc
FPT Software (Fsoft) ông Nguyễn Khải Hoàn cho biết thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và APAC (châu Á Thái Bình Dương) đều có tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Riêng thị trường Mỹ có lợi nhuận tăng mạnh.
Khủng hoảng dịch Covid-19 khiến nhiều đối tác lớn của Fsoft trong lĩnh vực hàng không, dầu khí…bị ảnh hưởng nặng nề và làm giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty. Ngoài ra Fsoft còn chi tiền để nâng cấp hạ tầng, triển khai giãn cách văn phòng, mở rộng khu nhà ăn, chi phí di chuyển…Tuy nhiên, Intellinet (Mỹ), công ty mà
FPT mua lại năm 2018 đã chuyển từ lỗ sang có lợi nhuân trong nửa đầu năm nay đã giúp lợi nhuận tại toàn thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng ấn tượng 30%. Ông cũng tiết lộ doanh nghiệp vừa thắng thầu một dự án lớn với quy mô khoảng 25 triệu USD.
Thị trường châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam (APAC) cũng tăng trưởng tốt nhờ các sản phẩm có thương hiệu như akaBot… bắt đầu thể hiện tính ưu việt. Công ty cũng ký được 3 hợp đồng triệu đô về blockchain tại thị trường này. Tại Malaysia, công ty cũng vừa thắng được một hợp đồng lớn cung cấp cho Petronas.
So sánh về trình độ nhân sự với các nước, ông Hoàn cho rằng việc thắng 2 gói thầu lớn trên cho thấy năng lực của
FPT không thua kém các đối thủ lớn như Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước khác. Công ty tự tin năng lực kỹ thuật và quản trị dự án đã được tăng lên khá nhiều. Thậm chí công ty còn đầu vào mở mới
FPT China và đã có hợp đồng với các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc.
Về kế hoạch ký mới hợp đồng, chỉ tiêu cho năm 2020 của Fsoft là 600 triệu USD. Ông Hoàn tính toán đến hết tháng 9 đã thấy được khoảng 350 triệu USD, dự phóng đến cuối năm có thể đạt được 520-530 triệu USD.
Mảng DC của Ftel vẫn tăng trưởng 24%
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Tài chính
FPT Telecom (Ftel) cho biết công ty phát triển song song gói cước internet với dịch vụ truyền hình. Cụ thể, công ty thường bán kèm với tỷ lệ khoảng 80%, trong khi không kèm là 20%.
Trong đợt dịch Covid-19, Ftel có bị ảnh hưởng doanh thu nhưng số lượng thuê bao vẫn tăng 28%. Doanh thu dịch vụ truyền hình hiện đóng góp khoảng 30% trong mảng viễn thông. Ông Bình khẳng định vẫn tập trung vào nội dung mới, trong giai đoạn dịch có mở thêm kho phim cho khách hàng với nhiều phim hấp dẫn để tạo ra nhiều dịch vụ mới cho khách hàng. Ftel quan tâm trải nghiệm khách hàng quan trọng nhất và đang rà soát chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, trọng tâm của Ftel tương lai vẫn là Data Center (DC - trung tâm dữ liệu) và cần nhiều thời gian để xây dựng. Ông Bình cho biết DC tại Hà Nội cơ bản đã hoàn thiện và còn đợi khai trương. Trong khi đó, DC tại TP HCM có công nghệ đặc biệt nên cần chuyên gia nước ngoài đánh giá. Chuyên gia đã vào Việt Nam để cách ly và chờ hết 14 ngày để nghiệm thu dự án, sau đó công ty sẽ triển khai bán hàng. Trong tương lai, công ty triển khai tiếp 1 DC khác cũng ở TP HCM, dự kiến hoàn tất năm 2022 để đón làn sóng đầu tư lớn hơn.
Ông Bình chỉ ra lợi thế cạnh tranh ở mảng này hệ thống quản trị, quy trình và công nghệ, năng lực đáp ứng cho các đối tác và vị trí địa lý. Ngoài ra,
FPT là công ty tư nhân nên được các đối tác nước ngoài ưa chuộng hơn các đối thủ chính là VNPT và Viettel.
Trong bối cảnh doanh thu doanh nghiệp chững lại 10%, doạnh thu mảng DC vẫn đang tăng trưởng 24% trong nửa đầu năm, nhờ lợi thế về xu thế dịch chuyển số và phát triển Cloud.