Các nhà đầu tư cá nhân đã chuyển khoảng 10% vàng nắm giữ từ Hong Kong sang các quốc gia như Singapore và Thụy Sĩ trong 12 tháng qua, theo Joshua Rotbart, giám đốc J RotBart & Co, công ty môi giới và cung cấp dịch vụ cất giữ vàng, trụ sở Hong Kong, nói.
Xu hướng này bắt đầu từ năm 2019, khi các cuộc biểu tình chống chính quyền diễn ra tại Hong Kong và gia tăng khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia với thành phố, khiến nhà đầu tư lo ngại về bất ổn chính trị.
“Nhiều khách hàng coi Hong Kong rủi ro hơn so với các khu vực khác”, Rotbart cho biết thêm. Ngay sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua, “người dân Hong Kong lập tức có phản ứng… hỏi về việc cất giữ vàng ở nơi khác”.
Các chính trị gia ủng hộ cho rằng luật an ninh quốc gia – nhắm đến hoạt động khủng bố, phá hoại chính quyền… - là cần thiết để chấm dứt biểu tình và khôi phục ổn định. Phe chỉ trích cho rằng biện pháp của Bắc Kinh làm suy yếu cam kết của Trung Quốc, cho Hong Kong tự trị về pháp lý và chính trị trong 50 năm, khi tiếp nhận thành phố từ Anh năm 1997.
“Nhà đầu tư chuyển vàng từ Hong Kong sang Singapore vì họ không thịch rủi ro và bất ổn”, Ronan Manly, nhà phân tích kim loại quý tại BullionStar, công ty cung cấp dịch vụ cất giữ vàng trụ sở Singapore, nhận định. Lo ngại của họ bao gồm “sự ổn định và nguyên tắc thượng tôn pháp luật”. “Trong tâm trí người nắm giữ vàng, lo ngại ngày một tăng, về an toàn cho vàng của họ và thậm chí là quyền sở hữu tài sản”.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới nhưng kim loại quý này bị hạn chế xuất khẩu, khiến Hong Kong trở thành nơi thuận tiện hơn để cất giữ vàng với nhà đầu tư quốc tế và giới nhà giàu đại lục. Hong Kong cũng có vai trò là đường dẫn vàng vào Trung Quốc đại lục.