Các chuyên gia nhận định phiên giảm điểm mạnh 19/1 là cần thiết giúp thị trường cân bằng hơn, thu hút dòng tiền mới.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân khi VN-Index về vùng 1070-1080 và 1040-1050.
Phiên ngày 19/1, thị trường chứng khoán bất ngờ diễn ra lực bán tháo mạnh khiến VN-Index giảm đến gần 61 điểm, có thời điểm trong phiên giảm gần 75 điểm. Thanh khoản thị trường ghi nhận kỷ lục 1,35 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 25.510 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh 22.725 tỷ đồng.
VN-Index có thời điểm trong phiên giảm gần 75 điểm. Ảnh: Bảo Linh.
Các chuyên gia nhận định phiên giảm điểm ngày 19/1 là điều cần thiết sau thời gian thị trường tăng mạnh giúp thị trường tạo được mặt bằng giá mới cân bằng hơn, thu hút dòng tiền mới. Thị trường trong trung hạn vẫn tích cực và có thể sớm lập đỉnh lịch sử mới.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán KB: Cân nhắc giải ngân khi VN-Index về vùng 1.070-1.080 và 1.040-1.050
Hiện không có thông tin tiêu cực đủ mạnh để làm thị trường giảm điểm phiên ngày 19/1. Hai yếu tố khiến các VN-Index giảm điểm là dòng tiền và tâm lý. Lượng tiền vay ký quỹ (margin) của nhà đầu tư và công ty chứng khoán hiện nay đã chạm mức kỷ lục, nhiều công ty chứng khoán tạm thời dừng cho vay mới. Điều này dẫn đến lượng tiền tham gia giảm và thị trường chạm vùng quá mua, cần nguồn lực mới để tiếp tục đi lên.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc phân tích Chứng khoán KB
Mặt khác, các nhà đầu tư F0 – lực lượng giúp thanh khoản liên tục lập kỷ lục thời gian qua trong khi khối ngoại bán ròng – thường có tâm lý mua đuổi và bán đuổi. Khi nhịp giảm điểm được kích hoạt, lực lượng này có tâm lý bán đuổi làm khuếch đại đà giảm của thị trường.
Sau nhiều lần kiểm tra vùng kháng cự 1.200 không thành công thì phiên giảm điểm 19/1 là nhịp điều chỉnh cần thiết để để đưa cổ phiếu về mặt bằng mới, đủ hấp dẫn kích hoạt dòng tiền mới và khiến nhà đầu tư "mua đuổi, bán đuổi" hiện thực hóa lợi nhuận. Về trung hạn, xu hướng thị trường vẫn tích cực, VN-Index vượt được vùng kháng cự 1200 chỉ là vấn đề về thời gian.
Nhà đầu tư nên chia danh mục thành 2 phần. Với những cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn thì tiếp tục nắm giữ. Cổ phiếu vị thế ngắn hạn thì xác định rõ kỳ vọng cũng như khả năng chấp nhận rủi ro để có điều chỉnh theo biến động VN-Index.
Với những cổ phiếu mua ở nhịp VN-Index lên 1200, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng. Khi VN-Index tiến đến ngưỡng hỗ trợ gồm 1070-1080 và 1040-1050, nhà đầu tư có thể tăng dần tỷ trọng. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu quá lớn thì cân nhắc nhịp hồi bán ra để cân bằng rủi ro tại vùng 1.150-1.160.
Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô Thị trường, Chứng khoán BSC: Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm về vùng 1.050-1.100
Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô Thị trường, BSC
Nhịp điều chỉnh này là điều cần thiết. Thị trường cần tạm dừng sau đợt tăng mạnh thời gian qua và cũng để cho nhà đầu tư mới thấy được chứng khoán không dễ dàng kiếm lợi nhuận, cẩn trọng hơn.
Phiên giảm điểm 19/1 có lẽ do diễn biến tâm lý khi VN-Index nhiều lần kiểm tra vùng 1.200 nhưng không vượt qua. Bởi lẽ, không có thông tin tiêu cực khiến thị trường giảm sâu. Đồng thời, kỳ nghỉ Tết dài ngày khiến tâm lý nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ lệ margin.
Tuy nhiên, việc thị trường điều chỉnh giảm bao nhiêu và trong bao lâu phụ thuộc lớn vào dòng tiền. Về cơ bản, lượng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm ưu thế và dẫn dắt cuộc chơi. Hiện chưa có yếu tố có thể làm thay đổi tâm lý nhà đầu tư cá nhân và tác động rõ ràng để thị trường giảm mạnh hơn nữa. Trong trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm về vùng 1050-1100, sau đó sẽ ổn định và đi lên trở lại.
Mặt khác, dù phiên ngày 19/1 tiếp tục ghi nhận kỷ lục về thanh khoản nhưng trong phiên chiều, gần như không có lệnh vào dù thị trường phục hồi gần 10 điểm. Điều này khiến khó nhận định được lực bán đang mạnh ra sao, dòng tiền có vào hay không để dự báo cho phiên ngày 20/1.
Phòng phân tích khối khách hàng cá nhân MBKE: Cổ phiếu nội tại mạnh, có câu chuyện năm 2021 sẽ hút dòng tiền
Bên cạnh áp lực điều chỉnh khi VN-Index nhiều lần thất bại trong việc chinh phục đỉnh 1.200 thì yếu tố “căng cứng” margin và tâm lý chốt lời của nhà đầu tư lớn đã tạo phiên giảm lao dốc 19/1.
Thị trường có 11 tuần tăng liên tục và lên mức đỉnh lịch sử 1.200 vào phiên thứ 4 tuần trước tạo ra áp lực chốt lời. Các phiên sau đó, chỉ số tăng điểm nhưng không vượt qua mức cao nhất phiên thứ 4 khiến dòng tiền lưỡng lự, áp lực chốt lời càng lớn, rủi ro điều chỉnh tăng cao. Mặt khác, đa phần nhà đầu tư lãi lớn nên sẵn sàng chốt lời cùng tỷ lệ margin cao tạo hiệu ứng bán tháo.
Đồng thời, ngày 21/1 là ngày đáo hạn phái sinh. Trước phiên 19/1, chênh lệch giữa cơ sở và phái sinh cao thể hiện sự hưng phấn của thị trường và tạo ra nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch giá, có thể cũng là yếu tố dẫn đến phiên bán tháo ngày 19/1.
Dù vậy, thị trường hiện nay không có nhiều yếu tố để bi quan, xu hướng trung hạn vẫn duy trì đà tăng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có rủi ro rung lắc lớn. VN-Index có thể giao dịch giằng co quanh ngưỡng vùng 1.130 từ đây đến Tết Nguyên đán và sau đó có cơ hội tạo lập đỉnh mới.
Thị trường liên tục tăng điểm khiến nhà đầu tư không cân nhắc khi mua thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, phiên giảm điểm 19/1 khiến nhà đầu tư phải nhìn nhận lại. Qua đó, sự phân hóa cổ phiếu có thể trở nên rõ ràng, những cổ phiếu nào thực sự có nội tại mạnh, có câu chuyện trong năm 2021 mới thu hút được dòng tiền.