Mặc dù cũng ghi nhận được mức tăng đáng kể nhưng cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai thường xuyên có biến động mạnh do các nhà đầu tư không thể đoán định triển vọng thực sự của doanh nghiệp này.
Mới đây, Quốc Cường Gia Lai công bố thông tin trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc đã khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Vụ việc đã được VIAC thụ lý và sẽ được giải quyết thông qua phán quyết của đơn vị trọng tài này. Quốc Cường Gia Lai cho biết thêm, Luật Trọng tài thương mại cũng quy định phán quyết có hiệu lực của trọng tài sẽ được mọi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tôn trọng và thi hành.
Lùm xùm kiện tụng
Lý do khởi kiện theo Quốc Cường Gia Lai là đã hơn 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng, Sunny Island đã không thực hiện đúng theo các quy định tại hợp đồng, vi phạm hợp đồng liên quan đến điều khoản thanh toán.
Từ đó, làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án cũng như tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Quốc Cường Gia Lai. Có thể kể đến như chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, hồ sơ pháp lý hết hạn hiệu lực và các điều khoản của pháp lý thay đổi rất nhiều so với hợp đồng của 4 năm trước.
Nhà đầu tư có nên tiếp tục đặt niềm tin vào QCG?
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2017, Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island có quan hệ đối tác từ năm 2016 với thỏa thuận Quốc Cường Gia Lai sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vồn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny.
Điều khoản tại thỏa thuận hợp tác giữa Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island nêu rõ, tiến độ pháp lý sẽ thực hiện song song tiến độ thanh toán của đối tác nhưng đến nay phía Sunny Island mời thanh toán tương đương đợt 2 với tổng số tiền là 2.883 tỷ đồng, trong khi Quốc Cường Gia Lai đã thực hiện thủ tục pháp lý tương ứng đến đợt thanh toán thứ 5 và từ tháng 11/2017 đến nay phía Sunny Island không thanh toán thêm một đợt nào nữa.
Cũng theo đơn kiện của Quốc Cường Gia Lai, phía Sunny Island đang giữ tài sản là các sổ đỏ và hồ sơ đền bù của dự án khoảng 65ha. Trước đó, Sunny Island đã ký cam kết 4 ngày trả hồ sơ trên về ngân hàng là bên thứ 3 cất giữ và quản lý, nhưng đến nay gần 4 năm Sunny Island vẫn không trả toàn bộ tài sản trên theo quy định của hợp đồng.
Tuy chậm thanh toán, nhưng Sunny Island lại yêu cầu công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện tiếp hợp đồng theo các điều khoản và giá của 4 năm trước nhưng các điều khoản của hợp đồng không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện nay nên không thể thực hiện được.
Quốc Cường Gia Lai cho biết, sẵn sàng trả lại tiền cho Sunny Island theo điều khoản quy định trong hợp đồng, được đơn phương chấm dứt hợp đồng, đổi lại Sunny Island phải trả toàn bộ tài sản đang nắm giữ là sổ đỏ của khu đất khoảng 65 ha và hồ sơ đền bù dự án.
Nhà đầu tư mất niềm tin
Ngay sau khi Quốc Cường Gia Lai có đơn kiện, phía Sunny Island cũng có xác nhận về việc đã chuyển 2.883 tỷ đồng chia làm 2 đợt. Trong đó đợt 1 là 1.150 tỷ đồng và đợt 2 là hơn 1.732 tỷ đồng (thanh toán làm 20 lần, kéo dài từ tháng 3/2017 đến cuối tháng 10/2017).
Tuy nhiên, trái ngược với Quốc Cường Gia Lai, Sunny Island cho biết, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được nhận chuyển giao dự án và bất kỳ lợi ích nào.
Được biết, trong giai đoạn năm 2016, Quốc Cường Gia Lai gần như bị rơi vào khủng hoảng khi nhiều khoản nợ đến kỳ đáo hạn, trong khi đó công việc kinh doanh lại không được thuận lợi.
Lúc này, Sunny Island được xem như “cứu tinh” của doanh nghiệp khi khoản tạm ứng gần 2.900 tỷ đồng đã giúp Quốc Cường Gia Lai tất toán nợ vay với BIDV Quang Trung và phát triển các dự án bất động sản.
Thông tin này đã giúp cổ phiếu
QCG tăng vọt từ dưới 5.000 đồng/cp hồi cuối năm 2016 lên gần 30.000 đồng/cp hồi giữa năm 2017, tương đương mức tăng khoảng gần 7 lần. Nhưng trong nửa cuối năm 2017, cổ phiếu
QCG chứng kiến chuỗi ngày dài giảm giá, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp bốc hơi 4.000 tỷ đồng.
Thực tế, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu
QCG là một trong những mã cổ phiếu luôn có biến động mạnh khiến các nhà đầu tư phải “đau tim”. Hồi đầu năm 2020,
QCG cũng tăng một mạch khoảng 2,5 lần nhưng cũng nhanh chóng giảm mạnh sau đó.
Diễn biến tiêu cực của
QCG luôn gắn liền với những cú lỗ, sự rút lui của các nhân vật chủ chốt và gần đây vụ kiện tụng liên quan tới Sunny Island cũng khiến cổ phiếu này “đánh rơi” hơn 17,2% giá trị chỉ trong vòng 8 phiên giao dịch.
Ngoài Sunny Island, Quốc Cường Gia Lai cũng dính vào vụ lùm xùm với dự án Phước Kiển. Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) đã bị kỷ luật sau vụ bán đất rẻ cho
QCG. Tân Thuận đã bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. Vụ việc này cũng khiến cổ phiếu
QCG rơi vào vòng xoáy bị bán tháo trong một thời gian dài.
Các nhà đầu tư tỏ ra khá hoang mang với triển vọng thực sự của doanh nghiệp khi mọi dự án kinh doanh đều rơi vào thế bất định, dẫn đến việc nắm giữ cổ phiếu
QCG không khác nào “ngồi trên đống lửa”.
Tính đến ngày 30/9/2020, công ty vẫn đang ghi nhận khoản phải trả gần 2.900 tỷ đồng đối với Sunny. Điều này đồng nghĩa với việc Quốc Cường Gia Lai vừa cầm tiền của đối tác nhưng vẫn giữ tài sản của mình. Như vậy, không biết Quốc Cường Gia Lai kiện Sunny Island để làm gì?.