Các doanh nghiệp thủy điện miền Bắc, Trung và Tây Nguyên lãi quý IV tăng mạnh nhờ mưa nhiều.
Năm 2020, tỷ trọng đóng góp của thủy điện, năng lượng tái tạo và than trên hệ thống điện tăng, trong khi điện khí giảm mạnh.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh; lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019. Riêng với quý IV, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 61,63 tỷ kWh, tăng 3,5%.
Xét cả năm 2020, tỷ trọng đóng góp của thủy điện và năng lượng tái tạo tăng 10,15% và 110% so với năm trước, nhiệt điện than tăng nhẹ 2,5% và nhiệt điện khí giảm mạnh 18,4%. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, nhiệt điện than và năng lượng tái tạo tăng cao (10,5% và 132,2%), ngược lại, nhiệt điện khí và thủy điện giảm (7% và 15,6%). Như vậy, tỷ trọng đóng góp vào hệ thống của ngành thủy điện tăng đáng kể trong quý IV.
Trong các nguồn điện được huy động thì thủy điện có giá rẻ nhất, nên thường được ưu tiên trước các nguồn khác. Do tình hình thủy văn quý IV thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thủy điện báo cáo lợi nhuận quý IV tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng
Cụ thể, Công ty Đầu tư Phát triển điện miền Bắc 2 (Nedi2, UPCoM: ND2) ghi nhận doanh thu thuần quý IV đạt 96 tỷ đồng, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 28 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do quý IV lượng mưa nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đầu tháng 5/2020, nhà máy thủy điện ngòi phát mở rộng 12 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Qua đó, sản lượng điện quý IV đạt 45,7 triệu kWh, tăng 169%.
Lũy kế cả năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 391 tỷ đồng, tăng 12%; lãi sau thuế 133 tỷ đồng, tăng 35,4%. Đây là mức lãi cao nhất của Nedi2 kể từ 2014.
Theo Công ty Thủy điện A Vương (UpCOM: AVC), nhờ lưu lượng nước về nhiều làm sản lượng điện tăng cao, riêng quý IV doanh thu thuần đạt gần 281 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế 148 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần đạt 526 tỷ đồng tăng 74%; lợi nhuận sau thuế 201 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 30 tỷ đồng của năm 2019.
Công ty Thủy điện Thác Bà (HoSE: TBC) cũng báo cáo doanh thu thuần gấp 2,3 lần lên 141 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp 8,7 lần lên 51 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết lưu lượng nước về hồ tăng 68% dẫn đến sản lượng điện thương phẩm trong quý IV/2020 cao hơn quý IV/2019 là 74,7 triệu kWh, tương ứng tăng 203%. Bên cạnh đó, một yếu tố khác giúp lợi nhuận tăng mạnh là doanh nghiệp ghi nhận 14 tỷ doanh thu từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ tháng 9/2017 đến hết tháng 12/2020.
Lũy kế cả năm, Thủy điện Thác Bà đạt doanh thu 533 tỷ đồng, tăng 79%; lãi sau thuế 218 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước.
Quý IV/2020, Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA) hoạt động kinh doanh có lãi 31 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 23 tỷ cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 130% đạt 90 tỷ nhưng giá vốn chỉ tăng 2%, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng thời giảm.
Như vậy, mặc dù nửa đầu năm lỗ 40 tỷ đồng nhưng tình hình kinh doanh khởi sắc quý III và IV đã giúp Thủy điện Bắc Hà ghi nhận lợi nhuận 60 tỷ cả năm, cải thiện so với mức lỗ 42 tỷ năm trước. Doanh nghiệp xóa được lỗ lũy kế và có lợi nhuận tích lũy 18 tỷ đồng.
Nhìn chung, với điều kiện thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ lớn các doanh thủy điện ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đều đồng loạt báo lãi quý IV gấp nhiều lên cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, doanh nghiệp thủy điện ở miền Nam như Thủy điện Thác Mơ (HoSE: TMP) thông tin sản lượng điện trong quý giảm 45% về 115,8 triệu kWh khiến doanh thu 46% xuống 125 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 60% xuống 72 tỷ đồng.
Chứng khoán VNDirect nhận định, đại dịch Covid-19 có thể kéo dài đến cuối năm 2021, dù vậy tác động của dịch đến nhu cầu điện Việt Nam chỉ mang tính ngắn hạn và tăng trưởng nhu cầu có thể phục hồi về mức trước dịch, đạt 8-10% kể từ năm 2021.
Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ, có 65% khả năng La Nina (khiến mưa lũ diễn ra nghiêm trọng) sẽ kéo dài tới cuối tháng 5/2021, tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện trữ đủ nước để hoạt động tới cuối năm. VNDirect cho rằng do thủy điện là nguồn điện rẻ nhất sẽ làm chậm lại tăng trưởng giá bán trên thị trường cạnh tranh, ít nhất tới nửa sau 2021.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện trở nên nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19, tạo động lực cho giá bán điện tăng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu đầu vào như khí và than dự báo tăng có thể đẩy mạnh giá chào của các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện than. Với giả định giá thủy điện ít thay đổi và đóng góp của năng lượng tái tạo vào nguồn cung còn hạn chế, VNDirect nhận định giá mua điện của EVN tăng dần trong trung hạn phần lớn đến từ giá dầu và giá khí cao hơn, và đóng góp của các nhà máy mới sử dụng nhiên liệu đầu vào có chi phí cao.