Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận là điều đáng ngại, trong bối cảnh nhiệm vụ giảm tỷ lệ tài sản không sinh lời chưa kết thúc và dịch Covid-19 vẫn có thể gây tác động.
Yuanta: Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận là điều đáng ngại
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE:
STB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm đạt 837 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019.
Đi sâu hơn, mảng tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần 3 nghìn tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ. Biên lãi thuần NIM trên tổng tài sản bình quân đạt 2,47% trong quý, tăng 0,89 điểm% so với cùng kỳ, chủ yếu là do chi phí huy động vốn giảm nhẹ.
Các mảng phi tín dụng diễn biến trái chiều. Trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong quý giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, thì thu nhập từ giao dịch ngoại hối tăng 35% và thu nhập từ các khoản đầu tư tăng 514%. Thu nhập khác (chủ yếu là xử lý nợ xấu) tăng nhẹ 1%.
Tựu trung, tổng thu nhập hoạt động của Sacombank đạt trên 5 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2020, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh 53% lên gần 4 nghìn tỷ đồng (chủ yếu do chi phí dự phòng phải thu tăng gấp 7 lần).
Bù trừ thu nhập - chi phí, lợi nhuận thuần quý IV/2020 của ngân hàng này giảm gần 10%, còn gần 1,1 nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ đạt 64 tỷ đồng trong quý (giảm 86% so với cùng kỳ) đã giúp lợi nhuận sau thuế của Sacombank tăng mạnh 57%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank thời điểm cuối quý IV/2020 là 1,7%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC, con số vào khoảng 8%.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận là điều đáng ngại.
"Lợi nhuận quý IV/2020 chủ yếu đến từ việc giảm trích lập dự phòng. Ban lãnh đạo đã làm tốt khi giảm một nửa tài sản không sinh lời tính theo tỷ lệ phần trăm trong ba năm qua, nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa kết thúc và có thể sẽ bị tác động kép bởi Covid-19", chuyên gia của Yuanta Việt Nam bình luận.
Tại thời điểm cuối năm, tổng tài sản không sinh lời (NPA) của Sacombank đạt 65 nghìn tỷ đồng, giảm 14,3% sau một năm.
Tương ứng, theo ước tính của Yuanta Việt Nam, tỷ lệ NPA/tổng tài sản của Sacombank đã giảm xuống 13,1%, tương đương giảm 3,5 điểm% sau một năm và khoảng 14,1 điểm% so với mức đỉnh cuối năm 2017.
Lũy kế cả năm 2020, Sacombank đã giải quyết được 15 nghìn tỷ đồng NPA trên bảng cân đối kế toán, hoàn thành 136% kế hoạch cả năm của ngân hàng.