• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
20 Tháng Mười 2024 6:37:30 SA - Mở cửa
KBC: Lo sức bền của cổ phiếu KBC
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 28/01/2021 4:11:31 CH
Ghi nhận mức tăng gần 90% chỉ trong khoảng gần 2 tháng, cổ phiếu KBC của Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc đang trở thành "ngôi sao" của thị trường khi xuất hiện dày đặc tại các diễn đàn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngược với mức tăng giá chóng mặt của cổ phiếu, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại khá bết bát.
 
Kể từ cuối tháng 11/2020 đến nay, cổ phiếu KBC đã bứt phá ngoạn mục từ vùng giá 15.000 đồng/cp lên vùng giá 45.000 đồng/cp, tương đương mức tăng khoảng 90%.
 
Đà tăng của KBC diễn ra trong bối cảnh năm 2021, ngành bất động sản khu công nghiệp được đánh giá đầy triển vọng, được thúc đẩy bởi làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI tới Việt Nam. Nhiều cổ phiếu sáng giá của ngành này luôn được các chuyên gia khuyến nghị mua và tăng tỷ trọng, tất nhiên không thể thiếu KBC.
 
Giải mã đà tăng
 
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu thuê đất công nghiệp trong năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt là dịch bệnh lắng xuống sẽ thúc đẩy các công ty nước ngoài đang có ý định, chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam, có thể kể đến như Foxconn.
 
Mới đây, trên thị trường xuất hiện thông tin Foxconn đã đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Trong khi đó, Quang Châu là một trong những dự án trọng điểm của Kinh Bắc bên cạnh dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). Đây cũng chính là hai địa phương có truyền thống, lợi thế trong việc thu hút FDI trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

 
Nhiều ý kiến cho rằng tiềm năng của KBC đã được phản ánh hết vào giá.
 
Theo báo cáo phân tích được công bố hồi cuối năm 2020, Công ty chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC) cho rằng, tiềm năng của KBC nằm ở việc Kinh Bắc sở hữu tới 5.278ha đất khu công nghiệp và 938,6ha đất khu đô thị, tập trung ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.
 
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc vừa thông tin, trong quý IV/2020, "hệ sinh thái" của công ty đã ký được hàng loạt hợp đồng cho thuê đất với tổng diện tích lên tới 150ha. Lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ điện tử, trong đó có dự án đầu tư của những tập đoàn lớn nổi tiếng trên thế giới.
 
VietinbankSC cho biết, doanh số này sẽ được ghi nhận dần trong 3 năm và nâng mức dự phóng kết quả kinh doanh trung bình năm 2021-2023 với doanh thu tăng từ 3.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng từ 866 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, dự án Tân Phú Trung với vị trí ngay Củ Chi gần nơi tiêu thụ là TP.HCM được kỳ vọng sẽ là dự án gối đầu cho giai đoạn 2024 trở đi. Kinh Bắc cũng đầu tư liên kết để phát triển ở các địa phương thu hút vốn đầu tư mạnh là Long An, Đà Nẵng...
 
VietinbankSC cũng kỳ vọng các vướng mắc trong thủ tục pháp lý sẽ được giải quyết trong năm nay và KBC sẽ ghi nhận dần các dự án bất động sản khu dân cư là Phúc Ninh (Bắc Ninh) và Tràng Duệ (Hải Phòng). Đây là các địa phương có mặt bằng giá đất có tiềm năng tăng khá tốt trong giai đoạn 2021-2023.
 
Ngoài ra, mới đây, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý công bố trở thành cổ đông lớn tại Kinh Bắc sau khi đã nắm giữ tỷ lệ hơn 5,1% (tương đương gần 24 triệu cổ phiếu).
 
Nhưng có bền vững?
 
Dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, nhưng kết quả kinh doanh của Kinh Bắc lại không mấy tươi sáng khi tiếp tục báo lỗ.
 
Tại báo cáo tài chính công bố hồi quý III/2020, Kinh Bắc đạt doanh thu thuần 202,3 tỷ đồng, giảm gần 78% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu mảng kinh doanh chủ đạo là cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản sụt giảm mạnh.
 
Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận sự sụt giảm so với quý III/2019 (từ 25 tỷ đồng xuống còn 17 tỷ đồng), trong đó lãi từ các khoản phải thu của hợp đồng và lãi tiền gửi, cho vay đều giảm.
 
Kết thúc quý III/2020, Kinh Bắc báo lỗ ròng gần 8,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 132 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng ghi nhận lỗ gần 21 tỷ đồng.
 
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của công ty dừng ở mức 930 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 2.486 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 500 tỷ đồng.
 
Thực tế, kết quả kinh doanh gây thất vọng xuất phát từ việc công ty thiếu đất sẵn sàng cho thuê (do công tác đền bù chậm), giá bán khu đô thị Tràng Duệ kém hơn kỳ vọng, hồ sơ thủ tục cho khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh vẫn chưa hoàn thiện. Mặt khác, các chi phí tài chính, quản lý neo ở mức cao trong khi doanh thu rất khiêm tốn.
 
Mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect (VNDiect) đã cập nhật báo cáo đánh giá cổ phiếu KBC, dù vẫn đánh giá lạc quan với mã cổ phiếu này, nhưng cho rằng yếu tố tích cực của doanh nghiệp đã được phản ánh vào giá.
 
VNDirect cho biết: "Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập với cổ phiếu KBC". Cũng theo VNDirect, rủi ro tăng giá của KBC đang phụ thuộc vào việc liệu Kinh Bắc có thể giải quyết các rào cản pháp lý để khởi công dự án Tràng Cát và được phê duyệt dự án khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
 
Trong khi đó, rủi ro giảm giá bao gồm doanh số bán đất khu công nghiệp thấp hơn kỳ vọng, chậm trễ khi bàn giao dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh giai đoạn 1 và chậm trễ ghi nhận doanh thu từ các dự án nhà ở.
 
Nhìn chung, tiềm năng của nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp là không thể phủ nhận nhưng đã được nói đến trong một thời gian khá dài. Nhiều mã cổ phiếu ngành này được cho là sẽ hưởng lợi cũng đã lần lượt tăng giá ở mức bất ngờ cho nhà đầu tư.
 
Do đó, sự bứt phá của KBC trong thời gian qua chủ yếu được hỗ trợ từ thông tin được "đại bàng" thuê đất, động thái nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải nhắc lại là những cổ phiếu tăng từ câu chuyện riêng thường khó giữ "lửa", yếu tố then chốt vẫn phải đến từ nội tại doanh nghiệp.