Chuyển động ngược chiều nhau khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng được nới rộng.
Khảo sát vào đầu giờ sáng nay (27/10), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 57,85 – 58,55 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn đang ở ngưỡng 700 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều, đang được niêm yết ở mức 57,60– 58,35 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra ở mức 750 nghìn đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.788,7 USD/ounce, giảm 18,7 USD, tương đương 1% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 49,25 triệu đồng/lượng,
thấp hơn giá vàng trong nước 8,6 triệu đồng/lượng, mở rộng tới 600 nghìn đồng/lượng so với sáng qua.
Biểu đồ: Kitco
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (26/10), giá vàng thế giới đã giảm hơn 1%, theo đó chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp khi đồng USD tăng trở lại và khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Hiện, chỉ số USD Index tăng 0,15% lên 93,953 điểm.
Bên cạnh đó, biến động của thị trường cổ phiếu mạnh hơn dự đoán, với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc hơn cũng khiến kim loại quý giảm sức hấp dẫn.
Theo giới phân tích, giá vàng khó có thể vượt xa khỏi mốc kỹ thuật quan trọng là 1.800 USD/ounce. Hiện thị trường đang tập trung sự chú ý tới một loạt cuộc họp của các ngân hàng trung ương bao gồm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến vào thứ Năm (28/10); cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào tuần tới.