Doanh thu thuần quý III tăng 15%, lãi ròng theo đó tăng 49% lên hơn 348 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, doanh nghiệp lãi 869 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Đường Quảng Ngãi (UPCoM:
QNS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần tăng 15% lên gần 2.115 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn khiến lợi nhuận gộp tăng 22% lên 653 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó cải thiện từ 32% lên 34%.
Chi phí tài chính và bán hàng đều tăng hơn 10% so với cùng kỳ, ngược lại chi phí quản lý giảm 16% về hơn 64 tỷ. Lợi nhuận khác đạt hơn 4 tỷ nhờ thanh lý vật tư, tài sản cố định, cải thiện so với mức âm hơn 550 triệu đồng quý III/2020. Theo đó, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng 49% lên hơn 348 tỷ đồng. EPS tương ứng 1.155 đồng.
Doanh nghiệp cho biết tăng trưởng trong quý III chủ yếu từ hoạt động của mảng sữa đầu nành và mảng đường. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của Vinasoy hơn 10% và đã xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Về mảng đường, doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất và chất lượng cây mía. Dây chuyền sản xuất sản phẩm đường ổn định, công ty cũng tiết kiệm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.776 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế là 869 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Đơn vị: tỷ đồng
Năm 2021, chủ thương hiệu Vinasoy đặt mục tiêu 8.000 tỷ đồng tổng doanh thu và 913 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 19% và giảm 13% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận.
Đến cuối quý III, quy mô tài sản đạt 9.496 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 369 tỷ đồng, giảm 13%. Đơn vị còn hơn 3.461 tỷ tiền gửi có kỳ hạn gốc từ 3 tháng đến một năm, chiếm khoảng 1/3 tổng tài sản và tăng 31% so với đầu kỳ. Phải thu khách hàng ngắn hạn tăng 48% lên 119 tỷ, hơn nửa đến từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 47% về 32 tỷ đồng. Chi phí phải trả ngắn hạn gấp 60 lần lên hơn 180 tỷ đồng do trích trước gần 172 tỷ chi phí bán hàng. Nợ vay ngắn hạn giảm 5% về 1.640 tỷ đồng gồm các khoản vay tại BIDV (871 tỷ), VietinBank (748 tỷ) và Vietcombank (21 tỷ).
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam có thêm cơ hội cạnh tranh về giá so với các sản phẩm nhập khẩu khi từ ngày 16/6, Quyết định của Bộ Công thương về mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức 47,64% đối với đường tinh luyện (RE) và đường thô (RS) nhập khẩu từ Thái Lan có hiệu lực trong thời hạn 5 năm.
Theo SSI Research, Đường Quảng Ngãi sẽ được hưởng lợi mạnh so với các đơn vị còn lại. Trong số các công ty sản xuất đường, doanh nghiệp dự kiến sản lượng mía nguyên liệu đầu vào sẽ tăng lớn nhất trong năm tới (50% so với cùng kỳ). Niên vụ 2022-2023, công ty kỳ vọng diện tích trồng mía tiếp tục tăng 40%. Với lượng mía nguyên liệu đầu vào tăng, SSI Research kỳ vọng công ty sẽ tăng công suất hoạt động cho cả hoạt động sản xuất đường và điện sinh khối, thúc đẩy cả doanh thu và lợi nhuận của hai mảng này.
Sản lượng đường RS ước đạt 105.000 tấn (tăng 25% so với cùng kỳ) trong năm nay và sẽ tăng 50% lên 158.000 tấn trong năm 2022. Dây chuyền sản xuất đường RE bắt đầu đi vào hoạt động thương mại từ ngày 1/7 và Đường Quảng Ngãi đang có kế hoạch đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường.