Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch cùng đăng ký bán ra tổng cộng 4,95 triệu cổ phiếu, tương đương 29% vốn.
ILA chuẩn bị họp bàn chuyển trụ sở chính, bổ sung phương án phát hành riêng lẻ, thay thành viên HĐQT và BKS.
Cổ đông lớn và lãnh đạo đồng loạt bán ra hàng triệu cổ phiếu
Trong gần 2 tháng qua, giá cổ phiếu
ILA của Công ty cổ phần
ILA (UPCoM:
ILA) tăng gần 60% lên 8.300 đồng/cp. Đi kèm với đó là thanh khoản cải thiện từ vài chục nghìn đơn vị tăng lên hàng trăm nghìn đơn vị, có phiên giao dịch 1,5 triệu cổ phiếu.
Nguồn: TradingView
Trong bối cảnh đó, cổ đông lớn, ban lãnh đạo và người có liên quan lần lượt bán ra hàng triệu cổ phiếu
ILA. Cụ thể, ông Võ Xuân Phong – Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 2,55 triệu cổ phiếu từ ngày 11/10 đến 9/11 để giải quyết nhu cầu cá nhân. Nếu bán thành công, ông Phong sẽ giảm sở hữu từ 3,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 20,05% vốn) xuống 859.200 đơn vị (5% vốn).
Đồng thời, ông Võ Xuân Cường, em ruột Phó Chủ tịch HĐQT Võ Xuân Phong đã bán toàn bộ 70.000 cổ phiếu
ILA trong phiên giao dịch 11 và 12 tháng 10. Ông Văn Công Vinh bán 730.000 cổ phiếu
ILA, giảm nắm giữ từ 940.000 đơn vị (tỷ lệ 5.53%) xuống 210.000 đơn vị (tỷ lệ 1,24%), không còn cổ đông lớn từ ngày 6/10.
Như vậy, sau khoảng 5 tháng mua vào, cả 3 cá nhân trên đồng thời bán cổ phiếu
ILA. Vào thời điểm tháng 5 và 6 khi cổ phiếu giao dịch vùng giá 5.000-6.000 đồng/cp, ông Phong đã mua 1,6 triệu cổ phiếu
ILA, ông Cường mua 70.000 đơn vị và ông Vinh mua 940.000 đơn vị.
Không chỉ vậy, ông Thân Xuân Nghĩa, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ gần 2,4 triệu cổ phiếu
ILA, tương đương 14,03% vốn từ ngày 1/11 đến 30/11 sau 2 năm rưỡi sở hữu. Mục tiêu thực hiện là giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Tính chung, cổ đông lớn, lãnh đạo và người có liên quan đã và đang bán ra khoảng 5,75 triệu cổ phiếu, tương đương gần 34% vốn
ILA.
ILA thay đổi kế hoạch, đổi tổng giám đốc
Công ty cổ phần
ILA tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ Trường Thịnh thành lập năm 2014 với lĩnh vực kinh doanh chính là nông nghiệp, cơ điện, xây dựng. Hiện nay, đơn vị đã chuyển đổi thành mô hình holding tập trung vào bất động sản và xây dựng, vốn điều lệ gần 170 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng có đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh logistisc như kho bãi, vận chuyển hàng hóa và sẽ mở rộng trong tương lai.
Doanh nghiệp có 2 công ty con là BDLand với tỷ lệ sở hữu 98%, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vốn điều lệ 100 tỷ đồng và
ILA E&C (Võ Xuân) vốn 60 tỷ đồng, kinh doanh lĩnh vực xây dựng.
Ngoài ra,
ILA đầu tư tài chính vào Công ty Đầu tư TTD (kinh doanh bất động sản, bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu), Công ty cổ phần JP Win (đại lý, môi giới và đấu giá hàng hóa), Công ty Logistics GLG Đồng Nai (bất động sản). Những doanh nghiệp này có vốn nhỏ khoảng 30-50 tỷ đồng và
ILA góp từ 13% đến 19% vốn.
Một dự án mà Võ Xuân thi công. Nguồn: Website Võ Xuân
Theo kế hoạch,
ILA dự định tăng sở hữu tại Võ Xuân và thoái vốn tại BDLand. Cụ thể, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4, cổ đông đã thông qua việc tăng sở hữu Công ty Võ Xuân từ 51% lên 98% thông qua nhận chuyển nhượng 47% vốn từ chính vị Phó Chủ tịch HĐQT Võ Xuân Phong và vợ là bà Lê Thị Thùy Trang.
Thông tin từ
ILA, Võ Xuân là doanh nghiệp xây dựng có tiếng trên thị trường với doanh thu tăng trưởng hàng năm trên 50%, doanh thu dự kiến năm nay đạt 300 tỷ đồng, tăng 75% so với 2020.
Trong khi đó, BDLand là chủ dự án khu nhà ở thương mại ven sông Thạnh Phước, đã nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương ngày 15/1. Tuy nhiên, HĐQT xác định phải đầu tư khoảng 80 tỷ để xây dựng hạ tầng, thi công 69 căn nhà phố. Doanh nghiệp không đủ tiền để đầu tư. Mặt khác, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nên
ILA phải thoái toàn bộ vốn Công ty BDLand cho đối tác.
Mới đây,
ILA công bố quyết định HĐQT hủy giao dịch mua 47% cổ phần Võ Xuân và thay đổi phương án thoái vốn tại BDland. Theo đó, BDLand sẽ mua lại 3 triệu cổ phiếu, tương đương 30% vốn cổ phần phổ thông đã bán cho cổ đông, riêng mua lại của
ILA là 2,94 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một chuyển động khác tại
ILA là bà Trần Thị Thu Hà có đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc sau 4 tháng ngồi “ghế nóng”. HĐQT bổ nhiệm ông Đặng Xuân Hữu, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc làm Quyền Tổng giám đốc từ 5/10.
Sắp chia cổ tức cổ phiếu 2020, họp sửa đổi phương án phát hành riêng lẻ
Vào ngày 22/10, HĐQT doanh nghiệp đã họp và thông qua phương án chi tiết phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 9%.
Công ty dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 16/11 tới đây để bàn việc thay đổi trụ sở công ty; sửa đổi, bổ sung tờ trình phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho đối tác chiến lược; bầu bổ sung, thay thế thành viên HĐQT và BKS.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới và định hướng phát triển, HĐQT đề xuất chuyển trụ sở công ty về địa chỉ số 620 Phạm Văn Đồng, khu phố 3, phương Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, TP HCM. Các nội dung khác của cuộc họp chưa được tiết lộ.
Kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của
ILA đã thông qua phương án chào bán 17 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn gấp đôi lên gần 340 tỷ đồng cho dưới 25 nhà đầu tư. Đối tượng là nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không dưới 10.000 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh của
ILA tương đối trồi sụt. Năm 2020, doanh thu giảm mạnh từ 292 tỷ đồng xuống 42,3 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng mạnh từ 242 triệu đồng lên 12,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm do ảnh hưởng dịch bệnh và dự án khu dân cư ven sông Thạnh Phước chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nên chưa mở bán trong năm. Song, doanh nghiệp có lợi nhuận lớn từ việc chuyển nhượng dự án bất động sản tại khu dân cư Thương mại Bình Chuẩn, Thuận An, Bình Dương thông qua thoái 80% vốn tại Công ty Đầu tư TTD.
Đơn vị: tỷ đồng
Trong năm nay, doanh nghiệp chưa công bố BCTC hợp nhất các quý. Với công ty mẹ, doanh thu 9 tháng đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 20%; lãi sau thuế 4,1 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 681 triệu đồng cùng kỳ năm trước.