23/30 mã trong VN30 đang giảm giá cuối phiên sáng. Biên độ giảm không lớn nhưng nhiều mã đang ở trạng thái trũng nhất trong phiên khiến cho chỉ số chung đi ngược với phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Á sáng nay.
Đồng loạt tự cởi trói
Thép, Ngân hàng, Bán lẻ, Công nghệ đồng loạt tăng giá trở lại đã giúp cho VN30 trở lại với sắc xanh một cách nhanh chóng. Cổ phiếu PNJ thậm chí còn tăng 5,2% nhờ số liệu tháng 10 khả quan.
VN30 hôm nay chỉ đóng đóng góp 30,1% giá trị của toàn HOSE nhưng sự quan trọng của nhóm này vẫn được kiểm chứng qua các biến động trong phiên.
Phiên sáng, cả nhóm bị sắc đỏ lấn lướt thì sang đến phiên chiều lại tự cởi trói đồng loạt. Tới cuối phiên, có tới 19 mã tăng so với 9 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu trong đó ghi nhận cả Ngân hàng, Thép, Công nghệ, Tiêu dùng đều hồi phục khá tốt.
Cổ phiếu dẫn đầu về đà tăng là PNJ (+5,2%) bất ngờ ngoi lên từ thời điểm 14h15. Lý do để PNJ tăng thực ra là đã có từ đầu phiên khi ban lãnh đạo cho biết doanh số tiêu thụ tháng 10 tăng 12% -15% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngày 20/10 tăng 10%. Tuy nhiên, dòng tiền dường như muốn quan sát thêm các mã lớn nên mới hành động muộn về cuối phiên.
Các cổ phiếu Ngân hàng, Tiêu dùng, Thép như MSN (+1,8%), CTG (+2,3%), HPG (+1,1%), FPT (+2,1%) là những mã đã bắt nhịp chính cho VN30. Sau đó là các mã TCB (+1,9%), VHM (+0,6%), STB (+1,4%) cũng ngoi lên tăng giá.
Đáng chú ý, 2 mã CTG và MSN cùng được khối ngoại giải ngân hơn 100 tỷ đồng nên không thể phủ định về khả năng khối ngoại đã can thiệp vào chỉ số hôm nay.
Ngoài ra, việc bình ổn xong phái sinh đã giúp cho VN30 được trút bớt đi gánh nặng. Chỉ số này quay đầu tăng từ sau 14h, cuối phiên đóng cửa tại 1.527,94 điểm (+0,9%). Còn VN30F2111 cũng nhanh chóng được kéo lên 1.530,7 điểm.
Dù vậy so với thị trường chung, VN30 vẫn đang là chỉ số chậm hơn khi vẫn chỉ loanh quanh vùng đỉnh. Trong khi đó, VN-Index dễ dàng thiết lập kỷ lục đóng cửa mới là 1.473,37 điểm (+0,75%).
Các cổ phiếu Midcap và Penny nhanh chóng tiếp tục cuộc đua tăng giá. Các mã HAG, LDG, FIT, HQC, CTS, DIG, HHS, FRT, TCH, TSC, KMR, OGC… đồng loạt tăng trần.
Các mã tăng 4-6% cũng xuất hiện nhiều như NKG (+5,28%), HT1 (+5,84%), NLG (+4%), TLH (+4,1%) riêng sự xuất hiện của NKG, NLG đã xoa dịu được nổi lo điều chỉnh mạnh.
Chốt phiên, số mã tăng trên HOSE đạt 271 mã, trong đó có 43 mã tăng trần. Số mã giảm chỉ còn 182 mã và đứng giá là 50 mã. Thanh khoản của HOSE đạt 26.525 tỷ đồng.
Còn HNX-Index cuối phiên tăng 0,66% lên 441,63 điểm, giao dịch đạt 4.328 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM ghi nhận sự tăng tốc ấn tượng của MSR (+14,9%), C4G (+14,5%), SBS (+12,7%) và trở thành sàn tăng tốt nhất. UPCoM-Index tăng 1,33% lên 110,66 điểm. Thanh khoản sàn đạt 3.719 tỷ đồng.
Sắc đỏ đang phủ rộng
GVR (-1,9%), GAS (-1%), VPB (-1,2%), VHM (-0,4%) đang lần lượt là những cổ phiếu gây ra nhiều áp lực nhất lên chỉ số. Cả 4 mã này đều gần như ở mức thấp nhất tính từ đầu phiên giao dịch.
Mở rộng ra, cả VN30 lúc này cũng đang bị sắc đỏ chi phối với 23 mã giảm so với 4 mã tăng và 3 mã đứng giá. Biên độ giá cũng rất hẹp cho thấy trạng thái chung của cổ phiếu lớn đang bị đè rất khó chịu.
Thị trường chung cũng không còn thể ngó lơ với những diễn biến của VN30 vào lúc này. Sắc đỏ đang trải rộng ở 282 cổ phiếu, trong khi đó còn lại 156 mã tăng và 52 mã đứng giá.
Một số mã vẫn tăng mạnh như ITA (+6,83%), HQC (+6,97%), HHS (+6,9%), TCH (+6,9%), QBS (+6,9%), FIT (+3,94%) nhưng giao dịch của nhóm này mang nhiều tính đầu cơ nên giá trị không cao. Dòng tiền hoàn toàn có thể xoay chiều nếu thị trường chung có biến động mạnh.
Dù vậy, tạm thời, dấu hiệu kích hoách bán ra vẫn chưa có. VN-Index vẫn neo lại vùng đỉnh và dòng tiền chỉ thuần túy đang tạm thời chậm lại để quan sát.
Chỉ số cuối phiên sáng chấp nhận đi ngược lại với những biến động của khu vực châu Á. VN-Index giảm 0,28% xuống 1.458,26 điểm trong khi các chỉ số như KOSPI (+1,43%), NIKKEI 225 (+0,96%), TWSE (+0,32%), BSE (+0,53%), KLCI (+0,54%) đều tăng điểm khá tốt.
Thanh khoản giảm khoảng 45% so với cùng thời điểm sáng hôm qua, đạt 13.990 tỷ đồng.
Còn HNX-Index vẫn duy trì sắc xanh nhưng cũng đang bị kéo về gần tham chiếu. Chỉ số này tăng 0,1% lên 439,17 điểm. Giao dịch đạt hơn 2.400 tỷ đồng.
*****
Không một mã nào trong VN30 tạo được ấn tượng
Sự vận động của thị trường trước kỳ đáo hạn phái sinh tháng 11 đang khá giống với những gì đã diễn ra trong tháng 10. Các phiên đi ngang được duy trì và có những nhịp cổ phiếu lớn tạo ra pha rung lắc để bình ổn phái sinh.
Chênh lệch giữa VN30F2111 và VN30 hiện chỉ đang là 3 điểm trong khi khối lượng hợp đồng mở còn hơn 33 nghìn đơn vị. Ở phiên hôm qua, tiền lớn đã khá thành công trong việc "diệt" vị thế Long nên dao động của VN30 cũng đang có chiều hướng thu hẹp lại hơn.
Các mã trong VN30 hầu hết đều trong biên độ hẹp với phần lớn các cổ phiếu chỉ tăng/giảm dưới 1%. Không một mã nào có gây ấn tượng với nhà đầu tư kể cả những cổ phiếu đầu ngành như HPG (+0,4%), GAS (-0,8%), VHM (+0,4%).
Với HPG, sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá đã chạm vào đường xu hướng trung hạn là MA50 nên 2 phe mua và bán đang có những động thái thăm dò nhau. Nếu để thủng đường xu hướng này, thị giá của HPG hoàn toàn có thể điều chỉnh về mức 50.000 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu cùng ngành Thép là HSG (+3,2%), NKG (+3,3%), TLH (+1,6%), SMC (+0,1%) cũng tạm thời đã có cầu bắt đáy và bật nhẹ lên.
Với cổ phiếu GAS, xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn còn nhưng giá dầu hiện đã ở vùng cao và liên tục có những diễn biến lình xình trên 80 USD/thùng khiến cổ phiểu chủ yếu vẫn đi ngang ở vùng đỉnh. Diễn biến này kéo theo lực bán chốt lời nhẹ ở các cổ phiếu khác như PVT (-1,6%), PVD (-1,8%) và PVS (-1,6%) trên HNX.
Còn với VHM (+0,1%), chuyển động giá thất thường và không đồng thuận với nhóm Bất động sản khiến cho nhà đầu tư đang mất kiên nhẫn. Tuy nhiên, sáng nay, các cổ phiếu Midcap và Penny cũng đã chững lại để nhìn vào VHM và chỉ số chung. Phần lớn các cổ phiếu như DIG, PC1, DXG, NLG chỉ còn tăng nhẹ.
VN-Index chủ yếu lình xình quanh vùng 1.460 điểm. Tính đến 10h30, chỉ số đang tăng nhẹ lên 1.462 điểm. Giá trị giao dịch chỉ gần 9.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền đang rất thận trọng.
Còn HNX-Index vẫn cho thấy được khả năng "tránh bão" với một vài cơ hội như CEO (+9,9%), NRC (+9%). Chỉ số này tăng nhẹ lên 440 điểm.