Vietnam Airlines phải cân nhắc rất nhiều về hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng thường lệ Việt Nam-Mỹ, tìm giải pháp để cân đối giữa chở khách và hàng.
Việc Vietnam Airlines sắp khai thác đường bay thẳng thường lệ Việt Nam-Hoa Kỳ là dấu ấn quan trọng trong quan hệ ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và trao đổi thương mại phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là động lực mới thúc đẩy thị trường hàng không 2 nước tăng trưởng nhanh chóng đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phân khúc khách Việt kiều chiếm tỷ lệ lớn
Hiện tại, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ. Dự kiến, chuyến bay chiều đi sẽ khởi hành vào tối 28/11 với hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 1/12, với thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Các chuyến bay sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Trước dịch COVID-19, thị trường hàng không giữa Việt Nam-Mỹ đạt khoảng 1,4 triệu lượt khách/năm, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019, là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng khai thác.
Theo nghiên cứu của Vietnam Airlines, thị trường khách đi/đến Mỹ rất lớn, phát triển ổn định và không có đột biến. Khách đi lại giữa Mỹ và Việt Nam phần lớn là từ tới bờ Tây nước Mỹ, cụ thể là Los Angeles và San Francisco, bang California, chiếm khoảng 42% dung lượng thị trường Mỹ-Việt Nam.
Phía Vietnam Airlines nhận định phân khúc thị trường khách Việt kiều vẫn sẽ là lượng khách quan trọng nhất của thị trường Mỹ-Việt Nam trong nhiều năm tới.
Từ góc độ dung lượng khách, tiểu bang California, có số lượng Việt Kiều tới 39% tổng số Việt kiều sinh sống ở Mỹ, được đánh giá là thị trường khách quan trọng và tiềm năng. Vì vậy, các chính sách tiếp cận thị trường Mỹ khi hãng mở đường bay cũng sẽ nhằm xoay quanh việc tiếp cận phân thị khách này (trong số khách đi lại giữa hai nước, có đến 78% khách đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh; khách đi/đến Hà Nội chỉ chiếm 12% và Đà Nẵng chiếm 8%.
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đường bay Việt Nam-Mỹ là một trong 10 đường bay dài nhất thế giới. Mỹ cũng là thị trường vận tải hàng không lớn nhất của Việt Nam khi có hơn 2,2 triệu người Việt Nam sống tại đây.
“Vietnam Airlines đã xây dựng đề án khai khác đường bay thường lệ Việt-Mỹ từ 2005. Tuy nhiên, việc mở được đường bay này không hề đơn giản bởi vì Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh bậc nhất thế giới. Được bay thường lệ tới Mỹ là khẳng định vị thế hãng hàng không, do đó hãng hàng nào cũng mong muốn thực hiện,” ông Hà nhấn mạnh.
Mở đường bay này trước mắt vẫn phải bù lỗ
Để được bay thường lệ tới Mỹ, ông Hà cho biết hãng hàng không, Cục hàng không Việt Nam phải hoàn thành nhiều thủ tục khắt khe. Vietnam Airlines đã có quá trình làm việc với 9 cơ quan của Mỹ để hoàn tất thủ tục, nếu cân tài liệu cho việc này phải lên tới hàng trăm kg.
Về việc hiện nay có khoảng 20 hãng hàng không khai thác đường bay Việt-Mỹ bằng các chuyến bay có 1 điểm dừng, ông Hà cho rằng Vietnam Airlines sẽ khai thác không điểm dừng (rút ngắn 5-6 tiếng so với bay có một điểm dừng) để thu hút được ngay hành khách là doanh nhân có nhu cầu đi lại và khả năng chi trả khi rút ngắn thời gian đi lại, hạn chế điểm dừng tiếp xúc nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Sau đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh-San Francisco, tới đây nhà chức trách hàng không Mỹ sẽ tiến hành khảo sát sân bay Nội Bài để đánh giá điều kiện mở thêm đường bay từ Hà Nội đi Mỹ. Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu mở thêm đường bay tới Los Angeles.
Theo ông Hà, Vietnam Airlines cũng phải cân nhắc rất nhiều về hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng, tìm giải pháp để cân đối giữa chở khách và hàng, cũng như giải pháp về sử dụng máy bay cho phù hợp.
“Mở đường bay này trước mắt vẫn phải bù lỗ, nhưng sẽ đưa vào hoạt động 2 máy bay thân rộng thay vì ‘đắp chiếu’ ở sân bay do dịch COVID-19, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, có thêm dòng tiền đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau dịch. Với đường bay Việt-Mỹ, trong 5 năm đầu hãng vẫn xác định lỗ, nhưng cân đối toàn mạng bay của hãng sẽ vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả,” vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói.
Thừa nhận nhiều máy bay vẫn chưa đáp ứng bay thẳng giữa Việt Nam-Mỹ mà không phải giảm tải, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay trước mắt với máy bay Boeing 787 hay Airbus A350 sẽ phải cắt khoảng 100 ghế (tức mỗi máy bay chỉ chở khoảng 220 khách/chuyến), giá vé khoảng 1.000 USD/chiều./.
Trước đó, vào ngày 4/11/2021, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ. FAA là cơ quan cấp phép cuối cùng của nhà chức trách Mỹ và chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về pháp lý để Vietnam Airlines được phép khai thác thường lệ đường bay Mỹ.
Chứng chỉ của FAA có hiệu lực không giới hạn về thời gian và cho phép Vietnam Airlines chủ động xây dựng tần suất, triển khai kế hoạch khai thác theo nhu cầu của hãng. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giấy phép mà Mỹ đã từng cấp cho các hãng hàng không Việt Nam trước đó để bay đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện hạn chế về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác.