• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
20 Tháng Mười 2024 4:37:14 SA - Mở cửa
VPB: Cơ hội đầu tư hấp dẫn dưới lăng kính hệ thống định hạng cổ phiếu
Nguồn tin: BizLIVE | 22/11/2021 11:04:27 SA
Dưới lăng kính hệ thống định hạng cổ phiếu, VPB đang là một cổ phiếu giá trị điển hình với tiềm năng tăng giá hấp dẫn. Với mức giá mục tiêu 53.800 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá (“upside”) của cổ phiếu VPB là 50% trong 12 tháng tới.

 
Tòa nhà VPBank
 
Trong một bài phỏng vấn với Vietnam Finance, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinGroup, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực cung cấp và phân tích dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam, đã bày tỏ mong muốn xây dựng hệ thống định hạng tín nhiệm nội địa nhằm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vốn Việt Nam.
Chia sẻ khát khao với ông Thuân, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống định hạng cho toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán (bao gồm khoảng 1.700 mã cổ phiếu trên HSX, HNX và Upcom), qua đó giúp nhà đầu tư có cơ sở vững chắc khi ra quyết định đầu tư với cái nhìn sâu sắc và đa chiều về hoạt động kinh doanh và vị thế của doanh nghiệp trong mối tương quan với ngành và cả thị trường nói chung.
Trong bài viết này sẽ chia sẻ đại diện tiêu biểu là hệ thống định hạng các cổ phiếu ngành ngân hàng với các tiêu chí mà chúng tôi chọn lọc dựa trên nền tảng khung đánh giá CAMELS. Phương pháp này do Cục Quản lý các tổ hợp tín dụng Hoa Kỳ xây dựng và được thông qua năm 1987, CAMELS đã và đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 để quy định về việc xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dựa trên khung phân tích này.
Hệ thống định hạng cổ phiếu ngành ngân hàng được xây dựng dựa trên 57 tiêu chí định lượng được chọn lọc dựa trên 6 trụ cột khung phân tích CAMELS, bao gồm C-Capital Adequacy (Mức độ an toàn vốn), A-Assets Quality (Chất lượng tài sản có), M-Management (Khả năng quản lý), E-Earnings (Thu nhập), L-Liquidity (Khả năng thanh khoản), và S-Sensitivity to Market Risk (Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường).
Mỗi trụ cột sẽ có nhiều chỉ tiêu đo lường và đánh giá chi tiết, từ đó đưa ra thang điểm (bản chất là so sánh với trung bình ngành 5 năm gần nhất và chấm điểm từ 0-10) và tổng hợp tính toán cùng xếp hạng theo thứ tự.
Một điểm đáng lưu ý do đây là hệ thống định hạng cổ phiếu ngành ngân hàng nên sẽ lồng cả chỉ tiêu định giá để đánh giá mức độ hấp dẫn của một cổ phiếu cụ thể so với các cổ phiếu của ngân hàng khác cùng ngành. Điều này hàm ý rằng nếu một cổ phiếu có nền tảng rất tốt nhưng định giá đã phản ánh hiểu biết của thị trường thì cũng chưa hẳn có điểm và thứ hạng cao như một ngân hàng “ngôi sao” mới với tiềm năng tăng giá hấp dẫn hơn.
Với các ngân hàng có điểm trên 60 sẽ được khuyến nghị đầu tư, tiếp đến là các ngân hàng có mức điểm dao động từ 50-60 điểm được xem là các cổ phiếu cần được quan sát thêm và cân nhắc từng trường hợp riêng. Các cổ phiếu có mức điểm từ 40-50 điểm là các cổ phiếu đang cần cải thiện ở một số tiêu chí cụ thể, cuối cùng là các cổ phiếu có số điểm dưới 40 điểm là các cổ phiếu cần rất nhiều nỗ lực cải thiện xét trên tổng thể. 
Một ví dụ có thể giúp quý độc giả có thể “tường minh” hơn trong hệ thống định hạng cổ phiếu ngành ngân hàng là mã cổ phiếu VPB - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank. Dựa trên hệ thống định hạng này, VPB có số điểm tổng hợp là 64.5 điểm và thuộc top các cổ phiếu đạt chuẩn đầu tư. 
 
 
(Nguồn: Tác giả trích dẫn từ hệ thống định hạng cổ phiếu của mình)
 
Nhìn vào tóm tắt theo ảnh trên, nhà đầu tư lập tức có thể nhận ra VPBank đang có ưu thế vượt trội so với các ngân hàng cùng ngành ở 3 trụ cột chính bao gồm: Mức độ an toàn vốn (C), thu nhập (E) và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (S).
Mức độ an toàn vốn (C): Trong giai đoạn hơn 10 năm từ 2011-2020, quy mô VCSH VPBank đạt mức tăng trưởng kép hàng năm hơn 26%, đưa VCSH của VPBank tại thời điểm cuối năm 2020 đã lớn hơn 10 lần so với thời điểm đầu năm 2011.
Xét về hệ số an toàn vốn, CAR của VPBank đã liên tục được cải thiện và luôn giữ ở mức cao hơn so với yêu cầu của Ngân hàng nhà nước. Chỉ số CAR được ghi nhận trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 11,1% và 11,7% và theo số liệu mới nhất đã nâng lên lên mức 12,4%.
Bên cạnh đó, khi dòng tiền từ thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu thì theo tính toán, CAR của VPBank sẽ đạt mức trên 17% và sẽ trở thành ngân hàng đi đầu về an toàn vốn. 
Thu nhập (E): Dễ hiểu khi thu nhập của VPBank thuộc top đầu ngành khi tỷ suất sinh lợi ROE của ngân hàng trung bình 5 năm từ 2016 -2020 đạt trên 20%/ năm. Bên cạnh đó, NIM của ngân hàng luôn đi đầu ngành và vượt trội so với trung bình ngành. NIM trung bình trong giai đoạn 2016-2020 của VPBank đạt 9% dẫn đầu thị trường và trong quý 3/2021 ghi nhận ở mức 8.4% do ảnh hưởng tạm thời của dịch bệnh lên mặt bằng NIM chung toàn ngành. 
Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (S): Theo ước tính dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý 3/2021 của VPBank, các chỉ tiêu liên quan đến rủi ro thị trường được ngân hàng kiểm soát tốt, đạt mức điểm cao nhất theo đánh giá của hệ thống. Trong đó, tỷ lệ trạng thái ngoại tệ chỉ chiếm dưới 3% so với vốn tự có (mức điểm tốt nhất từ 0%-10%) và tỷ lệ chênh lệch giữa tài sản và nợ nhạy cảm lãi suất so với vốn tự có cũng được duy trì dưới 50%, tương ứng với thang điểm cao nhất.
Ở 3 trụ cột còn lại bao gồm chất lượng tài sản có (A), khả năng quản trị (M) và thanh khoản (L) ngân hàng có số điểm tương đối so với mặt bằng chung cuả ngành và được kỳ vọng cải thiện khả quan.
Chất lượng tài sản có (A): Chiến lược của VPBank là đi đầu và chiếm lĩnh mảng cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay tiêu dùng. Đặc thù của chiến lược này làm tỷ lệ NPL cao hơn nhưng bù lại thu nhập của ngân hàng sẽ thuộc top đầu ngành như phân tích ở trên.
Như vậy, dù ở góc độ hệ thống đánh giá tự động điểm chất lượng tài sản có của VPBank không quá ấn tượng nhưng chúng tôi không quan ngại do đã hiểu đây là lựa chọn đánh đổi mang tính chiến lược của ngân hàng. Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của VPBank khi luôn kiểm soát tỷ lệ NPL hợp nhất ở mức +/- 3% kể cả dưới tác động không thuận lợi của dịch bệnh.
Thu hồi nợ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với các biện pháp hỗ trợ thu hồi tiên tiến, trong 9 tháng đầu năm ngân hàng đã thu được 2,7 nghìn tỷ từ các khoản nợ xấu đã xử lý. Cùng với việc quản trị rủi ro thận trọng và thu hồi nợ hiệu quả, chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ càng được nâng cao và do đó kỳ vọng VPBank sẽ có xếp hạng chất lượng tài sản cao hơn trong 2022.
Khả năng quản trị (M): Giai đoạn vừa qua đã chứng minh thấy khả năng quản trị của ban lãnh đạo ngân hàng đang ngày được cái thiện rõ rệt ở nỗ lực chuyển đổi số/ số hóa toàn ngân hàng được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng CASA rất ấn tượng ở mức 42% YoY vượt trội trung bình ngành và sự hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí hoạt động thể hiện qua tỷ lệ CIR (Tỷ lệ chi phí trên thu nhập).
CIR trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 liên tục được ngân hàng chú trọng và cải thiện đáng kể và trong quý 3/2021, CIR của VPBank được kiểm soát chỉ còn 23,7% và tiếp tục dẫn đầu ngành về khả năng quản lý chi phí hoạt động. 
Thanh khoản (L): Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của VPBank khi luôn duy trì thanh khoản ở mức tốt, vừa tuân thủ quy định của NHNN vừa tạo ra bảng cân đối vững mạnh nhằm gia tăng lợi nhuận. Đây là kết quả của việc linh hoạt điều tiết bảng cân đối và cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, cùng với việc nắm bắt yếu tố thanh khoản thuận lợi của thị trường. 
Định giá (Valuation): Cuối cùng, với bản chất hệ thống định hạng cổ phiếu ngành ngân hàng chứ không chỉ đơn thuần đánh giá chất lượng ngân hàng, chúng tôi có 2 luận điểm như sau:
Thứ nhất, do yếu tố tâm lý và suy diễn đám đông mà ngành cơ bản như ngân hàng đang bị gán cho câu chuyện rủi ro nợ xấu và chịu tác động quá nặng nề từ dịch bệnh. Chúng tôi cho rằng những nhận định mang tính suy diễn này thiếu cơ sở và dự báo thực tế, đồng thời đang làm cổ phiếu ngành ngân hàng có mức chiết khấu sâu so với mức giá hợp lý. Triển vọng tăng trưởng và kết quả kinh doanh khả quan của ngành ngân hàng trong quý 4/2021 và cả năm 2022 chúng tôi cho rằng sẽ là một bất ngờ tích cực (“positive surprise”) với nhiều bên.
Từ đó dẫn đến luận điểm thứ hai, chúng tôi đánh giá với những nỗ lực từ nền tảng cơ bản cũng như nhiều thông tin hỗ trợ về câu chuyện tăng vốn và tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, VPB đang là một cổ phiếu giá trị điển hình với tiềm năng tăng giá hấp dẫn. Với mức giá mục tiêu 53.800 đồng/cổ phiếu, chúng tôi khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu VPB với tiềm năng tăng giá (“upside”) 50% trong 12 tháng tới.
Hệ thống định hạng cổ phiếu được xây dựng với mục tiêu chiến lược: Đem lại lợi ích cho đa dạng các đối tượng sử dụng, trong đó phải kể đến giới đầu tư, chuyên viên môi giới và phân tích có thể sử dụng để tham khảo về nền tảng cơ bản và sự hấp dẫn tương đối của một cổ phiếu so với bình diện ngành và cả thị trường chung.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng phía doanh nghiệp cũng có thể sử dụng để cải thiện các chỉ tiêu mà mình còn đang chưa nổi trội so với mặt bằng chung của ngành trong đó có cân nhắc đến các đánh đổi giữa một chỉ tiêu cụ thể và các chỉ tiêu còn lại để từ đó có thể nâng cao vị thế và cải thiện hoạt động kinh doanh ở mức độ tổng quát và tạo ra nhiều giá trị hơn cho cổ đông, tạo niềm tin cho giới đầu tư trong và ngoài nước.
Điều này kỳ vọng sẽ giúp ích cho cho việc phát triển thị trường tài chính và các kênh huy động vốn, nhất là huy động vốn qua cổ phiếu, góp phần bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp.