Giá vàng SJC và Doji sáng nay đều quay đầu tăng sau 4 phiên giảm liên tiếp dù giá vàng thế giới tiếp tục giảm và thủng ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Khảo sát 9h sáng nay (24/11), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 59,15 - 59,95 triệu đồng/lượng, quay đầu tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 800 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, đang được niêm yết ở mức 58,8 - 59,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra đang ở mức 900 nghìn đồng/lượng.
Như vậy sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá vàng trong nước sáng nay đã quay đầu tăng mặc dù giá vàng thế giới vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Biểu đồ: Kitco
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.795,6 USD/ounce, giảm 8,9 USD/ounce, tương đương gần 0,5% so với chốt phiên trước. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, giá vàng đã giảm mạnh tới 40,5 USD/ounce, tương đương gần 2,2% so với giá đóng cửa cuối tuần trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 49,27 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 10,68 triệu đồng/lượng, nới rộng thêm 580 nghìn đồng/lượng so với khoảng cách 10,1 triệu đồng phiên liền trước.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm sâu khi đồng USD tăng mạnh trong bối cảnh Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Jerome Powell tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng ông Powell có thể phải nhanh chóng giải quyết tình trạng lạm phát ngoài tầm kiểm soát bằng cách đẩy nhanh việc giảm mua tài sản hàng tháng của Fed và có thể bắt kịp tốc độ tăng lãi suất.
Fawad Razaqzada - nhà phân tích thị trường tại ThinkMarkets cho rằng, các nhà đầu tư tại Mỹ đang rất quan tâm đến các chính sách của Fed, họ kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với chính sách tiền tệ để cố gắng kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong ba thập kỷ.
Những yếu tố này được coi là nguyên nhân chính khiến giá kim loại quý giảm mạnh. Ngoài ra, các tài sản có lợi suất thấp cũng đang bị bán khi lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng. Đây là lý do tại sao giá vàng và bạc tiếp tục giảm.