Sắc đỏ ngập tràn chứng khoán châu Á trong khi giá dầu giảm hơn 4% còn HĐTL của Dow Jones 30 giảm hơn 800 điểm đã vẽ lên một bức tranh xấu của thị trường thế giới...
VN-Index phiên 26/11
Với bối cảnh như vậy, VN-Index hôm nay chỉ tổn thất có hơn 7 điểm cũng đã là cả một nỗ lực phi thường của VIC. Nhà đầu tư tạm thu quân bảo toàn lực lượng, bên cạnh lực cầu đón hàng vẫn mạnh góp nên quy mô giao dịch lớn.
Sức đề kháng tốt hơn khu vực
Thành quả của Ngân hàng với mốc 1.500 điểm đã không thể giữ lại cho tới cuối phiên. Một mình VIC vẫn tăng 4,8% là không đủ để chống lại áp lực chốt lời từ Ngân hàng cho tới nhóm Midcap và Penny.
Thông tin 50% phí trước trước bạ với ôtô lắp ráp trong nước từ 1/12 đúng là liều thuốc tốt cho VIC và HAX (+6,9%) nhưng lại không phải cho cả thị trường.
Sắc đỏ càng lan rộng trong phiên chiều nay với 315 mã giảm so với 166 mã tăng và 36 mã đứng giá tham chiếu. Nhóm Ngân hàng nhanh chóng phải đương đầu với lực bán chốt lời từ lượng cổ phiếu mới được giải ngân từ cuối tuần trước và đầu tuần nay. Một loạt mã giảm sâu hơn như HDB (-3,%), TPB (-3,5%), CTG (-2,4%), VCB (-2%), MBB (-1,9%), ACB (-1,6%), TCB (-1,6%).
Tất nhiên, trạng thái hôm nay của toàn bộ các cổ phiếu Ngân hàng vẫn chưa làm mất xu hướng tăng ngắn hạn nhưng nó khiến thị trường mất đi động lực chính của nhịp vượt 1.500 điểm.
Chưa kể, Dầu khí cũng đang khiến nhà đầu tư lo lắng thêm với một loạt mã giảm như PVD (-5,2%), GAS (-2%), PXS (-1,2%). Hiện giá dầu thế giới đang giảm hơn 4%.
Các nhóm ngành Chứng khoán, Bất động sản dù vẫn còn một vài mã tăng như sắc đỏ là chủ đạo. Các mã giảm trên 2% xuất hiện hàng loạt như VND (-3,8%), TVB (-3,9%), CSC (-3,5%), NLG (-2,8%), TDH (-2%)…
Nhóm gây bất ngờ nhất là Thép khi không bị liên đới nhiều ở phiên hôm nay. HPG (-0,4%) điều chỉnh hầu như không đáng kể trong khi các mã HSG (+1,9%), NKG (+2,8%) tăng giá còn TLH, SMC thậm chí còn tăng trần.
VN-Index kết phiên giảm 0,52% xuống 1.493 điểm nhìn chung vẫn là khá thành công. Chỉ số cho thấy sức đề kháng tốt hơn nhiều các chỉ số chứng khoán châu Á như NIKKEI 225 (-2,53%), SET (-2%), IDX (-2,06%). Ngay cả Dow Jones Futures cũng đang giảm hơn 800 dự báo về một phiên giao dịch tiêu cực của chứng khoán Mỹ.
Thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao nhưng không đột biến cho thấy hiện tượng tháo chạy không xảy ra. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.060,47 triệu đơn vị, tương đương 35.414 tỷ đồng.
Còn HNX-Index với UPCoM-Index đúng là đã có nhịp đi trước nhưng đà giảm vẫn được kìm hãm rất tốt. Hai chỉ số thậm chí còn giảm ít hơn VN-Index, lần lượt giảm 0,23% xuống 458,63 điểm và giảm 0,24% xuống 114,34 điểm. Giá trị giao dịch tại 2 sàn đạt hơn 6.800 tỷ đồng.
*****
Trạng thái thị trường vừa tiến vừa... run không hẳn do chông chênh trên đỉnh cao, mà nhà đầu tư có thể dè chừng với thông tin biến thể "quái ác" mới của COVID-19.
VN-Index sáng 26/11
Thận trọng trước thông tin về biến thế mới của COVID-19
Chứng khoán châu Á đang cùng đồng loạt chìm trong sắc đỏ, thậm chí NIKKEI 225 giảm tới hơn 2% do thông tin về biến thể mới của COVID-19.
HNX-Index và UPCoM-Index đều đang quay đầu giảm trong khi VN-Index cũng không thể giữ được mốc 1.510 điểm.
Có trụ lớn kéo điểm nhưng thị trường không quá hào hứng. Sắc xanh tới cuối phiên sáng lại thu hẹp tiếp xuống còn 166 mã so với 289 mã giảm và 48 mã đứng giá tham chiếu. Độ rộng của thị trường theo đó đang phản ánh nhất định sự thận trọng của nhà đầu tư.
Sự phân hóa không chỉ ở nhóm Ngân hàng mà còn ở cả nhóm Chứng khoán, Bất động sản. Đã có những mã giảm trên 2% như PSI (-3,3%), BCE (-2,4%), NLG (-2,1%) trong khi đó một loạt mã giảm trên 1% như NTL, SCR, PC1, HDC, CCL, AGR, SSI, TVB, VCI.
Chính vì vậy, thành quả của VN-Index đã không thể duy trì được tới cùng. Chỉ số thu hẹp lại đà tăng xuống +0,29%, tạm dừng phiên sáng ở 1.505,1 điểm.
Đây là trạng thái tăng gần như hiếm hoi ở khu vực châu Á sáng nay, khi một loạt các chỉ số khác đang chìm trong sắc đỏ. Nhiều thị trường đang giảm trên 1% như IDX, SET, TWSE, KOSPI, đáng chú ý là NIKKEI 225 giảm tới 2,76%. Thông tin gây sự tiêu cực chung trên cả khu vực là sự phát hiện của biến thể mới và khả năng "quái ác" hơn của COVID-19 là B.1.1.529.
Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến thị trường nhấp nhổm và không giữ được sự hưng phấn như thời điểm đầu phiên.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM cũng đang cho thấy sự nhạy cảm hơn nữa khi cùng quay đầu giảm lần lượt 0,24% và 0,4%. Các mã SHS (-1,6%), PVS (-1,9%), IDC (-4,6%), BSR (-4,2%), BVB (-1,2%) đang gây khó khăn cho 2 chỉ số.
*****
Ngân hàng vẫn dưỡng sức và để cho phe chốt lời "thoải mái" hành động. Tuy nhiên, tiền lớn đã chuẩn bị sẵn bằng việc đẩy lệnh kéo VIC tăng mạnh.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng âm ỉ chờ nhịp tiếp theo?
Quá trình kéo Ngân hàng luôn hút rất nhiều tiền nên các nhịp đan xen nghỉ ngơi cho nhóm này xuất hiện không có gì là tiêu cực. Phiên hôm qua, Ngân hàng đã bắt đầu chững lại và đến hôm nay các cổ phiếu này vẫn đan xen các mã giảm như VCB (-0,7%), SSB (-0,2%), CTG (-0,3%).
Tuy nhiên, khi VPB (+3,2%), VIB (+1,7%), STB (+1,6%) bật lên, MBB, SHB, HDB, MSB đang tăng nhẹ vẫn còn tăng nhẹ thì Ngân hàng vẫn sẽ âm ỉ chờ nhịp bùng nổ tiếp theo.
Thị trường chung cũng không cần phải lo lắng về việc thiếu đi các mã tạo đà cho chỉ số bởi tiền lớn đang khẩn trương đổ vào VIC (+5,4%).
Đóng góp vào điểm số của VIC lên tới gần 5 điểm, gấp hơn 4 lần mã đứng ngay sau là VPB trong top dẫn dắt của thị trường.
Trong khi đó, giá trị giao dịch của VIC cũng đã đạt trên 500 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Tính đến 10h30, VN-Index đã vọt lên 1.511 điểm. Giá trị giao dịch đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Sắc xanh tạm thời có phần lép vế khi chỉ có 200 mã tăng so với hơn 240 mã giảm.
Điều này có thể lý giải là do tiền đang bị hút về VN30 khi giá trị giao dịch của rổ đang chiếm 42% toàn HOSE.
Dù vậy, các mã giảm như KBC (-0,8%), DGC (-1,08%), VND (-0,5%), PAN (-1,21%), NLG (-1,05%), CII (-0,18%), FLC (-0,32%), SCR (-0,82%), ASM (-0,91%) có giảm cũng không đáng kể. Tiền vẫn có thể sẽ sớm trở lại các cổ phiếu Midcap và Penny khi các sóng Ngân hàng lẫn nhóm Vingroup hạ nhiệt.
HNX-Index vẫn luôn là nơi quy tụ của nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tạm thời cũng đang chưa bắt kịp với VN-Index. Chỉ số này tăng 0,14% lên 460 điểm.