Dòng vốn đầu tư từ NSNN tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong tháng 11, song lũy kế mới chỉ đạt 73,8% kế hoạch năm, ứng với còn hơn 1/4 kế hoạch đang dồn vào tháng cuối cùng.
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về Tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021, trong đó, cập nhật một số thông tin về tình hình đầu tư và đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn.
Theo GSO, trong tháng 11, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 11/2021 ước đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với tháng liền kề, dòng vốn đã tăng 14,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 367,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 78,7% và tăng 32,7%).
Theo đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,9% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 11 tháng năm 2021 phân theo bộ, ngành
Phần vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 304,1 nghìn tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch năm và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 203,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70% và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020; vốn NSNN cấp huyện đạt 84,6 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% và giảm 9%; vốn NSNN cấp xã đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2% và giảm 9,9%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 11 tháng năm 2021 phân theo địa phương
VỐN FDI TIẾP TỤC PHỤC HỒI SAU GIAI ĐOẠN GIÃN CÁCH CĂNG THẲNG
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong giai đoạn, đã có 1.577 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 31,8%). Trong khi tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD (tăng 3,76% so với cùng kỳ).
Theo đó, đã có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 16,6%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Đồng thời, có 3.466 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 40,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD (giảm 33% so với cùng kỳ).
Sau 11 tháng, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhẹ 0,1 điểm % so với 10 tháng năm 2021.
Trong kỳ, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như GVMCP không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,5%; 28,1% và 16,5% tổng số dự án.
Xét theo đối tác đầu tư, trong giai đoạn đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020.
Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Long An tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, riêng dự án điện khí của Singapore đã lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 82,4% tổng vốn đầu tư của Long An).
TP.HCM đứng vị trí thứ hai với gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư, tăng thêm 700 triệu USD so với tháng liền kề. Các địa phương tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…