Giá vàng trong nước tiếp tục đi lên khi trên thị trường thế giới, giá kim loại quý cũng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ.
Khảo sát vào đầu giờ sáng nay (8/11), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 58,25 – 58,95 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn đang ở ngưỡng 700 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang đang được niêm yết ở mức 58,25– 58,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra ở mức 650 nghìn đồng/lượng.
Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của giá vàng trong nước. Trong tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 350 nghìn đồng, tương đương 0,6% giá trị.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.819,3 USD/ounce, tăng 1,3 USD, tương đương 0,07% so với chốt phiên trước.
Biểu đồ: Kitco
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 49,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 8,3 triệu đồng/lượng.
Áp lực lạm phát gia tăng trong khi các ngân hàng trung ương chưa vội tăng lãi suất khiến giới đầu tư có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần này.
Bên cạnh đó, kim loại quý cũng được hỗ trợ khi báo cáo cho thấy, số lượng việc làm của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 10. Bộ Lao động nước này cho biết nền kinh tế đã có thêm 531.000 việc làm, trong khi các nhà kinh tế dự báo con số chỉ 425.000.
Trong số 18 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News, có tới 10 nhà phân tích (56%) dự đoán giá vàng đi lên, hai chuyên gia (11%) có ý kiến ngược lại và 6 nhà phân tích (33%) cho rằng thị trường vàng bình ổn.
Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến trên Phố Main thu hút 622 nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Tổng cộng 326 người (52%) nhận định giá vàng tuần này sẽ tăng, 188 người (30%) cho biết kim loại quý này sẽ giảm giá và 108 nhà đầu tư còn lại (17%) có quan điểm trung lập.