Năm 2022, SSI dự báo mức tăng trưởng của BCM sẽ trên 2 con số, động lực tới từ tăng giá đất và mở rộng diện tích cho thuê khu công nghiệp. Dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BCM đạt 9.797 tỷ đồng và 4.209 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 56% so với năm 2021.
SSI: Khuyến nghị mua dành cho BCM
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đánh giá tích cực kỳ vọng tăng trưởng của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (HoSE:
BCM) với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, sở hữu quỹ đất lớn, diện tích còn lại sẵn sàng cho thuê lên đến 590 ha.
Đồng thời, diện tích đất thương phẩm của
BCM cũng xấp xỉ 648 ha tại thành phố mới Bình Dương và các khu dân cư Bàu Bàng, Mỹ Phước, kỳ vọng thanh khoản được cải thiện và lợi nhuận duy trì mức cao hơn 43% kể từ năm 2022 khi áp dụng khung giá đất mới tại Bình Dương cho giai đoạn 2020-2024.
Bên cạnh đó, liên doanh VSIP, Warburg Pincus dự báo đem lại lợi nhuận tích cực nhờ nhu cầu thuê đất và nhà xưởng phục hồi trở lại từ 2022.
Trên thị trường,
BCM hiện đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng năm 2022 lần lượt đạt 16,5 lần và 3,4 lần. Do đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu là 66.200 đồng/cổ phiếu dành cho
BCM, phản ánh kỳ vọng giá tăng tại các khu dân cư và khu công nghiệp kể từ năm 2022. Hiện SSI khuyến nghị mua đối với cổ phiếu
BCM.
Cập nhật kết quả kinh doanh, kết thúc quý III, doanh thu của
BCM đạt 883 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu hoạt động bất động sản (dân cư và khu công nghiệp) giảm 41% cùng kỳ do nhu cầu thuê mới tại các khu công nghiệp giảm và bán hàng bất động sản dân cư chủ yếu cho Becamex IJC tại khu tái định cư Hòa Lợi;
BCM cũng không còn nguồn thu từ phí giao thông và xây dựng sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại IJC từ mức 78% xuống còn 49,76%; trong khi đó, doanh thu dịch vụ điện nước tại các khu công nghiệp giảm 17% cùng kỳ do giảm phí dịch vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh.
Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt trên 50 tỷ đồng, là mức thấp nhất theo quý trong vòng 5 năm trở lại đây.
Quý IV, SSI ước tính doanh thu có thể phục hồi về mức 2.787 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, chủ yếu tới từ doanh thu bất động sản dân dụng và khu công nghiệp (2.381 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.163 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với quý IV/2020.
SSI dự báo mức tăng trưởng năm 2022 của
BCM sẽ trên 2 con số, động lực tới từ tăng giá đất và mở rộng diện tích cho thuê khu công nghiệp. Dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 9.797 tỷ đồng và 4.209 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 56% so với năm 2021.
Yuanta: Khuyến nghị quan sát đối với NKG
Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE:
NKG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, doanh thu thuần tăng 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái lên hơn 7.530 tỷ đồng.
Kết thúc quý III, "đại gia" ngành thép báo lãi trước thuế gần 706 tỷ đồng, cao hơn 7,7 lần con số đạt được năm ngoái. Khấu trừ thuế, lợi nhuận ròng mang về là 606 tỷ đồng, tăng 7,3 lần.
NKG cho biết doanh thu tăng là do doanh nghiệp đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Còn lợi nhuận tăng là nhờ sản lượng sản xuất cao hơn cùng kỳ, giúp chi phí sản xuất giảm và làm tăng biên lợi nhuận gộp.
Lũy kế 9 tháng,
NKG ghi nhận doanh thu đạt 19.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.773 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,3 lần và 12,5 lần cùng giai đoạn năm trước. Với kết quả này,
NKG đã vượt 21% kế hoạch doanh thu và vượt 195% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong quý III,
NKG đã tăng mạnh sản lượng xuất khẩu (tăng 128% lên 224.000 tấn) do nhu cầu ở thị trường nội địa sụt giảm trước ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong tháng 7 và tháng 8. Thay vào đó, châu Âu và Bắc Mỹ trở thành thị trường trọng điểm của
NKG, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bán hàng.
Định giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) vừa duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu
NKG do mức stock rating đang ở mức 87 điểm.
Đồng thời, đồ thị giá của
NKG trước đó đóng cửa tăng 7% và đồ thị giá tiến sát đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với mức trung bình 20 phiên.
Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy. Ngoài ra, đồ thị giá tiến sát mức kháng cự ngắn hạn 40.770 đồng/cổ phiếu và nếu đồ thị giá vượt được mức kháng cự này thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ được xác nhận.
Vì vậy, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát đối với cổ phiếu
NKG.
KBSV: Khuyến nghị mua QTP, giá mục tiêu 20.200 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM:
QTP) ghi nhận doanh thu đạt 1.973 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế cải thiện đáng kể, đạt 86 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 60 tỷ đồng.
Kết quả này có được nhờ
QTP đã bám sát thị trường điện cạnh tranh và chào bán điện hiệu quả, cùng với đó là chính sách thay đổi thời gian trích khấu hao dẫn đến chi phí khấu hao giảm góp phần làm giảm chi phí giá vốn hàng bán.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của
QTP đạt 6.238 tỷ đồng (giảm 7,5% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 40 tỷ đồng), sản lượng thương phẩm đạt 4,88 tỷ kWh.
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, từ tháng 10, các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, hoạt động sản xuất được nối lại đã thúc đẩy phần nào nhu cầu tiêu thụ điện năng phục vụ hoạt động kinh doanh.
Căn cứ dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2022 theo nghị quyết của Quốc hội, Tập đoàn EVN lập kế hoạch với nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng cao từ 8-12% tương ứng sản lượng điện toàn quốc 275,5 – 286,1 tỷ kWh, do vậy các nhà máy điện hiện hữu sẽ được ưu tiên huy động ở mức cao với mục tiêu đảm bảo năng lượng phục vụ hồi phục kinh tế.
Bên cạnh đó, trước tác động của dịch bệnh Covid-19,
QTP đã chủ động lập kế hoạch ngừng tổ máy số 4 để tiến hành đại tu. Tổ máy số 4 thuộc nhà máy Quảng Ninh 2 đã hoàn thành sửa chữa lớn từ ngày 2/8 – 1/10/2021 (60 ngày). Việc hoàn thành công tác sửa chữa lớn tổ máy theo kế hoạch góp phần nâng cao sản lượng điện cho
QTP, đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2022 và giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
KBSV kỳ vọng đây sẽ là các yếu tố thúc đẩy nhu cầu phụ tải tăng trưởng mạnh, đồng thời việc hoàn thành đại tu tổ máy số 4 sẽ góp phần gia tăng sản lượng cho
QTP trong giai đoạn hồi phục sau dịch.
Năm 2021, KBSV dự phóng doanh thu và lợi nhuận của
QTP lần lượt ở mức 8.545 tỷ đồng (giảm 1% cùng kỳ) và 643 tỷ đồng (giảm 16%). Sang năm 2022, với sản lượng huy động ước đạt 7,66 tỷ kWh (tăng 7,4% cùng kỳ), doanh thu và lợi nhuận dự báo đạt 9.218 tỷ đồng (tăng 8% cùng kỳ) và 823 tỷ đồng (tăng 28,4%).
Do đó, KBSV đưa ra khuyến nghị mua dành cho
QTP, giá mục tiêu 20.200 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 18% so với mức giá đóng cửa ngày 15/12, dựa theo phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF và phương pháp so sánh P/E dựa trên tỷ lệ tương ứng 50/50 sau khi xem xét triển vọng kinh doanh cũng như các yếu tố rủi ro có thể phát sinh.