• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
20 Tháng Mười 2024 6:52:19 SA - Mở cửa
Vụ buôn lậu nghìn tỷ liên quan đến Thuduc House được triệt phá thế nào?- Bài 2: Phối hợp “cất vó”
Nguồn tin: Báo Hải quan | 17/12/2021 9:29:09 CH
Như đề cập ở bài viết trước, từ sự chủ động phát hiện của lực lượng Hải quan và quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu -Bộ Công an (C03), vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hàng loạt vi phạm như: buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TPHCM, các tỉnh phía Nam và một số đơn vị liên quan, đã từng bước được triệt phá. Ở bài viết này, Tạp chí Hải quan thông tin rõ hơn về quá trình phối hợp phá án của lực lượng Hải quan và Công an.
 
 
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
 
Qua hơn nửa năm đấu tranh chuyên án, Ban chuyên án (của Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan) nhận thấy, đây là vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đối tượng trong và ngoài nước như Mỹ, Campuchia, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) do một nhóm đối tượng thành lập và cầm đầu với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp, cần phải có kế hoạch đồng bộ trong đấu tranh và phá án, không được đánh động để các đối tượng tìm cách bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ.
 
Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong giai đoạn phá án, Cục có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp với C03 tìm được “điểm nổ” cho quá trình phá án. Các phát hiện của Đội 3 về nghi vấn trong nhập khẩu phần mềm, trong việc xuất khẩu tranh gỗ có giá trị cao bất thường; phát hiện nghi vấn nhập khẩu hàng giả, phát hiện các công ty có liên quan, cùng các phân tích về trị giá hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu… đã giúp cơ quan Công an có thêm căn cứ trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
 
Do đó, từ tháng 4/2020, Tổng cục Hải quan đã chấp thuận cho Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với C03 nghiên cứu hồ sơ vụ việc để tìm ra mối liên hệ giữa các cá nhân, tổ chức trong nước và mối liên hệ giữa các cá nhân, tổ chức này với cá nhân, tổ chức ngoài nước. Kết quả đã xác định được hàng chục đối tượng trong đường dây, tổ chức, do các đối tượng Trịnh Tiến Dũng, Mạc Thành Nam, Mạc Văn Nguyện cầm đầu.
 
Cụ thể, Trịnh Tiến Dũng, sinh năm 1973, đã xuất cảnh sang Mỹ từ ngày 22/7/2019, là đối tượng chuyên hoạt động vận chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam với quy mô lớn.
 
Để thực hiện hoạt động phạm tội, Dũng thuê các đối tượng làm người đại diện pháp luật, thành lập hàng trăm công ty ở Mỹ và Campuchia để hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo các đối tượng thành lập hàng chục công ty, trong đó có việc mua chứng minh nhân dân từ các tiệm cầm đồ, hoặc thuê làm giả để thành lập công ty và sử dụng các công ty này ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, mua bán trong nước, phục vụ hoạt động chuyển tiền ra, vào Việt Nam.
 
Qua rà soát thông tin nhận thấy, các doanh nghiệp trung gian trong nước cung cấp mặt hàng linh kiện điện tử cho Thuduc House và Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam để làm thủ tục xuất khẩu bán cho các đối tác nước ngoài có mối liên hệ với nhau, được thành lập, hoạt động theo sự chỉ đạo của đối tượng Trịnh Tiến Dũng.
 
Các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng linh kiện điện tử vào Việt Nam với giá khai báo khi làm thủ tục khoảng 0,05 USD/linh kiện, sau đó bán cho các công ty trung gian và khi đến các công ty xuất khẩu hàng hoá đã được đẩy giá lên cao gấp 150 đến 400 lần.
 
“Cất vó”
 
Để phá án chuyên án lớn này, Ban chuyên án của Cục Điều tra chống buôn lậu và C03 đã chọn lô hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đầu tư Indo Vina để mở đầu quá trình phá án.
 
Ngày 1/10/2020, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đầu tư Indo Vina đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng sài Gòn khu vực 1, khai báo nhập khẩu hàng gồm 250 máy in laser đen trắng hiệu Canon. Kết quả kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu không đúng khai báo trên tờ khai hải quan, trị giá hàng tỷ đồng.
 
Ngày 27/10/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu có công văn số 1247/ĐTCBL-Đ3 gửi C03, chuyển thông tin vụ việc có yếu tố vi phạm pháp luật hình sự của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đầu tư Indo Vina thuộc tờ khai nêu trên để C03 trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án hình sự và thực hiện các biện pháp tố tụng, ngăn chặn cần thiết.
 
Ngày 31/12/2020, C03 ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số về các tội “Buôn lậu”; “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, đối với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ điện tử Thế Hải, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đầu tư Indo Vina và một số đơn vị liên quan. Đồng thời, C03 đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt để tạm giam nhiều đối tượng. Khám xét khẩn cấp các địa điểm là nơi làm việc và nơi ở của các đối tượng đã thu giữ được nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội, trong đó có hơn 200 con dấu của hơn 100 công ty, nhiều giấy chứng minh nhân dân nghi là giả.
 
Ngày 27/5/2021, C03 ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 đối tượng là lãnh đạo Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam.
 
Ngày 25/11/2021, C03 tiếp tục khởi tố bị can, bắt để tạm giam một số lãnh đạo của Thuduc House và Giám đốc Công ty TNHH An Lành Phát.
 
Vai trò của Cục Điều tra chống buôn lậu
 
Để tham gia phá án, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chỉ đạo Đội 3, Đội 7 triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phối hợp với C03.
 
Cụ thể, tiếp nhận và chuyển hồ sơ, tang vật vụ việc nhập khẩu hàng hóa thuộc tờ khai ngày 1/10/2020 của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đầu tư Indo Vina tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (có dấu hiệu tội buôn lậu) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ điện tử Thế Hải để C03 khởi tố, làm căn cứ bước đầu nhằm tạm giữ, khởi tố bị can các đối tượng chính và các đối tượng có liên quan.
 
Tiến hành thu thập, phân tích dữ liệu 132 công ty để phục vụ báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan và chuyển phục vụ điều tra theo yêu cầu của C03. Kết quả đánh giá, phân tích cụ thể từng công ty trong tổng số hàng trăm công ty có nghi vấn liên quan trên, đã phát hiện 100 công ty có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến các tổ chức, cá nhân hoặc hàng hóa của vụ án đang điều tra. Các công ty này đã xuất, nhập khẩu lượng hàng hóa có trị giá tới hơn 17,8 nghìn tỷ đồng, trong đó nhập khẩu hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu hơn 15,3 nghìn tỷ đồng.
 
Phát hiện nghi vấn trong nhập khẩu phần mềm, qua kết quả phân tích, tổng trị giá khai báo trên tờ khai hàng nhập khẩu khoảng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên số liệu thực chuyển tiền có thể rất lớn vì có nhiều công ty nhập khẩu đĩa CD ROM có chứa phần mềm nhưng chỉ khai trị giá của đĩa CD trắng (rất thấp), còn trị giá phần mềm chứa trong đĩa CD đó thì không khai báo, mặc dù trị giá tính thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi lô hàng/ tờ khai, thậm chí hàng chục tỷ đồng, nên khi thống kê sẽ không có khoản trị giá này. Tổng trị giá của phần mềm bước đầu xác định được là hơn 61 triệu USD (1.433 tỷ đồng), phần lớn các tờ khai này được đăng ký trong năm 2020.
 
Cơ quan Hải quan cũng phát hiện nghi vấn trong xuất khẩu tranh gỗ. Trong số hơn 15 nghìn tỷ đồng trị giá hàng xuất khẩu của 100 công ty nêu trên, có hơn 284 tỷ đồng trị giá của mặt hàng tranh gỗ xuất khẩu. Chỉ tính 28 tờ khai của 14 doanh nghiệp với 5.366 cái tranh gỗ, đỗ gỗ mỹ nghệ nhưng được khai báo trị giá hơn 284 tỷ đồng. Trong hàng nghìn cái tranh, phần lớn được các đối tượng khai báo trị giá từ 30 triệu đến gần 80 triệu một cái là bất thường, khó có cơ sở.
 
Ngày 30/12/2020, Đội 3 tiến hành khám xét lô hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Giang. Kết quả khám xét, phát hiện hàng hóa nhập khẩu là hàng điện tử đã qua sử dụng. Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo Đội 3 tiếp tục xác minh, điều tra như giám định hàng hóa, thẩm định giá, lấy lời khác các đối tượng nhằm củng cố hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó, đề xuất để khởi tố vụ án hoặc chuyển cho C03 khởi tố về tội buôn lậu.
 
Cũng trong ngày 30/12/2020, Đội 3 phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Công ty TNHH Intel Việt Nam lấy mẫu chip Intel Xeon W-2197 trong lô hàng thuộc tờ khai hải quan số 103568434800/A11 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ đầu tư Indo Vina.
 
Ngày 22/1/2021, đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của Intel Corporation là Công ty TNHH sở hữu công nghiệp Sao Bắc Đẩu cho biết “Intel khẳng định rằng các sản phẩm chip Intel Xeon W-2197 trong lô hàng nêu trên không phải là hàng hóa do Intel sản xuất hoặc ủy quyền sản xuất. Theo đó, các sản phẩm chip Intel Xeon W-2197 này là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu INTEL và XEON”. Vụ việc đã được chuyển cho C03 tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
Ngày 25/12/2020, Đội 3 cử công chức tham gia cùng C03 khám xét 5 kho hàng trong nội địa của các đối tượng, kết quả phát hiện thêm hàng nghìn tranh gỗ mỹ thuật các loại.
 
Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, điển hình trong hoạt động phạm tội về “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 
Các đối tượng đã tổ chức vận chuyển trái phép tiền tệ ra nước ngoài với số lượng lớn; tổ chức nhập lậu hàng hóa có giá trị cao nhưng khai báo hải quan với giá trị thấp nhằm buôn lậu, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Trong đó, Thuduc House đã được hoàn hơn 365 tỷ đồng tiền thuế GTGT; Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam được hoàn hơn 153 tỷ đồng tiền thuế GTGT.
 
Phạm vi hoạt động của các đối tượng rất rộng, không những ở Việt Nam mà còn ở Mỹ, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Canada... Ngoài hàng chục đối tượng có liên quan đến tổ chức phạm tội, còn thể hiện mức độ lớn khi đã xác định danh sách 100 công ty có liên quan, được sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.
 
Cuộc đấu trí cam go
 
Dù ngay từ khi lập án, cơ quan Hải quan đã dự liệu được hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật của các đối tượng nhưng việc làm rõ, chứng minh được là rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức vì các đối tượng rất am hiểu pháp luật, được sự tư vấn của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế, kế hoạch đầu tư nên sử dụng nhiều hình thức “lách luật”, lợi dụng các kẽ hở, quy định chưa chặt chẽ để vi phạm. Đây thực sự là cuộc đấu trí cam go của công chức Cục Điều tra chống buôn lậu và lực lượng chức năng với những đối tượng tội phạm.
 
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp liên quan nhiều nên hồ sơ, tài liệu cần thu thập rất lớn, số liệu cần xử lý cũng rất lớn nhưng yêu cầu thực hiện gấp trong thời gian ngắn để phục vụ hoạt động điều tra, báo cáo nhanh tới lãnh đạo các cấp... cũng là thách thức không nhỏ trong quá trình phá án.
 
Quá trình hoạt động, đối tượng cầm đầu là Trịnh Tiến Dũng ở Mỹ và chỉ đạo từ xa đối với các đối tượng trong nước. Đối tác mua hàng ở nước ngoài, giao dịch thông qua internet, mua bán ở Việt Nam, giao hàng tại một nước thứ ba nên rất khó cho việc xác minh, thậm chí đã phối hợp với hải quan các nước có liên quan giúp đỡ nhưng cũng rất khó khăn... Phần lớn doanh nghiệp được thành lập trong nước là doanh nghiệp “ma”, thuê, sử dụng chứng từ giả để đăng ký hoạt động nên rất khó truy vết, xác minh, làm rõ sự liên quan, móc xích lẫn nhau.
 
Các đối tượng sử dụng nhiều cá nhân và tổ chức trong hoạt động, đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để chuyển tiền lòng vòng, qua nhiều trung gian nhằm giấu nguồn và tránh sự kiểm soát, xác minh của cơ quan chức năng.
 
Khó khăn khác là nhân lực của Đội 3 không nhiều (chỉ bố trí được từ 3 đến 4 công chức thường xuyên tham gia đấu tranh chuyên án), một số công chức lại luân chuyển đơn vị, thay đổi nhân sự trong quá trình đấu tranh chuyên án…
 
Về thủ đoạn, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi như dùng mặt hàng khó định giá khi xuất khẩu, hầu như không giám định được về mặt kỹ thuật như linh kiện điện tử (chip, RAM, board, thẻ nhớ SD…).
 
Các mặt hàng này, Đội 3 đã lấy mẫu trưng cầu giám định nhưng hiện tại không tổ chức, cơ quan nào trong nước có đủ khả năng giám định. Còn mặt hàng xuất khẩu thì được các đối tượng mua bán lòng vòng, qua nhiều giao dịch trong nước đã đẩy giá của hàng hóa lên rất cao, mặc dù không có hoạt động sản xuất, gia công hay tác động nào để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Khi xuất khẩu thì đơn giá hàng hóa đã lớn hơn đơn giá nhập khẩu hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, điển hình đó là mặt hàng linh kiện điện tử, phần mềm, tranh gỗ…
 
Tác động lớn
 
Đây là vụ án điển hình trong hoạt động phạm tội về “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với số lượng đặc biệt lớn; trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Trong 132 doanh nghiệp thì tới 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan các tổ chức, cá nhân hoặc hàng hóa của vụ án đang điều tra. Kết quả sơ bộ phân tích số liệu xuất nhập khẩu của 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nhận thấy các doanh nghiệp đã xuất nhập khẩu hàng nghi vấn liên quan các hành vi phạm tội với tổng số lượng trị giá hơn 17,8 nghìn tỷ đồng, trong đó nhập khẩu hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu hơn 15,3 nghìn tỷ đồng.
 
Vụ án có tác động, ảnh hưởng lớn không những trong phạm vi nước ta mà còn liên quan lớn với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Canada, Mỹ.
 
Về lĩnh vực, hoạt động của các đối tượng và kết quả khám phá vụ án đã ảnh hưởng tới cả tầm vĩ mô và vi mô của nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, ngân hàng, thuế, đăng ký doanh nghiệp, quản lý ngoại hối… qua đó phát hiện nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành từ đó dự báo, tham mưu lãnh đạo các cấp để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.
 
Việc kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đã đóng góp một phần quan trong vào công cuộc giữ gìn an ninh chính trị, nâng cao tầm ảnh hưởng, đề cao vai trò quan trọng của lực lượng Hải quan nói chung, kiểm soát Hải quan nói riêng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh kinh tế, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu lành mạnh, phát triển, góp phần xây dựng đất nước.