15h00
Về cuối phiên giao dịch, diễn biến bất ngờ đã xảy ra, một số cổ phiếu trụ cột bất ngờ tăng giá mạnh và giúp VN-Index nới rộng sắc xanh và đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Biến động mạnh vào cuối phiên được nhiều chuyên gia cũng như công ty chứng khoán dự báo do hôm nay là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 2. Trong đó, VCB tăng 2% lên 102.000 đồng/cp, có thời điểm trong phiên cổ phiếu này giảm xuống còn 98.000 đồng/cp, VHM tăng 2,2% lên 103.200 đồng/cp, VIC tăng 1,9% lên 110.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như GAS, GVR, VRE... cũng đồng loạt tăng giá tốt và tạo lực đẩy khá tốt cho VN-Index.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,6 điểm (1,61%) lên 1.174,38 điểm. Toàn sàn có 277 mã tăng, 166 mã giảm và 55 mã đứng giá HNX-Index tăng 0,39 điểm (0,17%) lên 230.96 điểm. Toàn sàn có 99 mã tăng, 90 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,51%) xuống 75,35 điểm.
Thanh khoản thị trường cao hơn phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 796 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 18.156 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.268 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh với hơn 600 tỷ đồng ở sàn HoSE.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 6,47 điểm (0,56%) lên 1.162,25 điểm. Có thời điểm, chỉ số này tăng đến gần 12 điểm nhưng đà tăng có dần yếu đi do áp lực bán còn lớn. Toàn sàn có 267 mã tăng, 157 mã giảm và 65 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,75 điểm (0,33%) lên 231,32 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 74 mã giảm và 54 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.462 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (0,62%) lên 76,21 điểm.
Thanh khoản thị trường cao hơn cùng thời điểm phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 552,4 triệu cổ phiếu, trị giá 12.392 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 762 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn mua ròng hơn 276 tỷ đồng trên sàn HoSE và tập trung vào các mã như FUEVFVND, HPG, VNM, MBB... trong khi bán ròng mạnh CTG, DXG...
9h42
Thị trường điều chỉnh không quá lâu, thay vào đó, lực cầu lại dâng cao và giúp kéo hàng loạt cổ phiếu lớn hồi phục, các chỉ số vì vậy cũng nhanh chóng tăng điểm trở lại. Nhóm dầu khí nới rộng đà tăng với việc cả PVD và PVS được kéo lên mức giá trần, GAS tăng 3,6% lên 90.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như VCS, TCB, VHM, KDC, VRE, MBB, CTG, HPG... cũng đều tăng giá trở lại.
VN-Index tăng 7,01 điểm (0,61%) lên 1.161,79 điểm. HNX-Index tăng 1,31 điểm (0,57%) lên 231,88 điểm. UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (0,48%) lên 76,1 điểm.
9h25
Các chỉ số tiếp tục tăng ngay khi mở cửa phiên giao dịch 18/2 với việc nhiều cổ phiếu trụ cột tăng giá. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh bất ngờ tăng vọt ngay sau đó và khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, trong đó, VPB giảm 1,3%, BVH giảm 1,5%, VIB giảm 2%, NVL giảm 2,3%, VCB giảm 1,5%, VIC giảm 1,4%. VN-Index và HNX-Index vì vậy cũng bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu.
Dù vậy, một số cổ phiếu lớn vẫn duy trì được sắc xanh tốt, trong đó, GVR vẫn tăng kịch trần lên 27.450 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn đi lên nhờ hưởng lợi từ diễn biến tích cực của giá dầu thế giới. GAS tăng 1,5% lên 88.200 đồng/cp, PVD tăng trần lên 24.100 đồng/cp, PVS tăng 7,8% lên 22.200 đồng/cp.
Hiện tại, VN-Index giảm 7,12 điểm (-0,62%) xuống 1.148,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.300 tỷ đồng. HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,23%) xuống 230,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21 triệu cổ phiếu, trị giá 366 tỷ đồng. UPCoM-Index vẫn tăng 0,18 điểm (0,24%) lên 75,92 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm Tân Sửu 2021 bằng việc VN-Index tăng gần 41 điểm với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Khối ngoại giao dịch theo chiều tích cực khi mua ròng 704 tỷ đồng trên toàn thị trường trong đó tập trung các cổ phiếu như VHM, HPG, VRE, VIC...
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index có thể sẽ tiến tới khu vực 1.160-1.165 và giằng co quanh vùng này trong phiên tiếp theo.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên kế tiếp.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 17/2, Dow Jones tăng, Nasdaq và S&P 500 giảm. Dow Jones tăng 90,27 điểm, tương đương 0,29%, lên 31.613,02 điểm, vượt đỉnh 31.522,75 điểm thiết lập phiên 16/2. S&P 500 giảm 1,26 điểm, tương đương 0,03%, xuống 3.931,33 điểm. Nasdaq giảm 82 điểm, tương đương 0,58%, xuống 13.965,5 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương giảm trong phiên 17/2. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,39%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,58% còn Topix giảm 0,18%. Xuất khẩu của Nhật Bản tăng 6,4% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu thương mại do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm nay. Taiex tại Đài Loan đi ngược xu hướng chung, tăng 3,54%. Thị trường Trung Quốc đại lục nghỉ tết Âm lịch. Hang Seng của Hong tăng 1,1%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,93%. ASX 200 của Australia giảm 0,46%.
Chốt phiên 17/2, giá dầu Brent, WTI đều tăng. Giá dầu Brent tương lai tăng 99 cent, tương đương 1,6%, lên 64,34 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,09 USD, tương đương 1,8%, lên 61,14 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu đều đang cao nhất kể từ tháng 1/2020.