Bà Okonjo-Iweala cam kết sẽ mang đến luồng gió mới cho WTO và bày tỏ tin tưởng WTO có thể đóng góp mạnh mẽ hơn vào nỗ lực dập dịch COVID-19 thông qua cải thiện tiếp cận và giá thành vắcxin COVID-19.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người gốc Phi đầu tiên lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với nhiệm kỳ bắt đầu từ 1/3/2021 và kéo dài đến ngày 31/8/2025.
Bà Okonjo-Iweala chèo lái WTO trong bối cảnh vị thế của tổ chức thương mại đa phương này đang ngày càng suy yếu, đặc biệt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bà cho rằng một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu muốn phục hồi nhanh và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch COVID-19. Bà mong muốn được hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, làm WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn trước tình hình thực tế hiện nay.
Bà Okonjo-Iweala cam kết sẽ mang đến luồng gió mới cho WTO và bày tỏ tin tưởng rằng WTO có thể đóng góp mạnh mẽ hơn vào nỗ lực dập tắt dịch COVID-19 thông qua việc cải thiện tiếp cận và giá thành vắcxin ngừa COVID-19 cho nước nghèo.
Bà khẳng định sẽ thúc đẩy hành động nhằm đạt được các kết quả cụ thể trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế toàn cầu. Các mục tiêu trước mắt bao gồm đảm bảo sản xuất và phân phối vắcxin trên toàn thế giới, đồng thời chống lại xu hướng chủ nghĩa bảo hộ vốn trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19, tạo đà cho thương mại tự do hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Hiện một số nước như Ấn Độ và Nam Phi đang tìm cách đình chỉ các quy định thương mại về bằng sáng chế để phân phối vắcxin nhanh hơn. Tuy nhiên, thay vì vướng vào các cuộc tranh luận với các nước thành viên WTO, bà Okonjo-Iweala cho biết tổ chức này có thể thúc đẩy lộ trình nhanh hơn.
Theo bà, WTO nên xem xét giải pháp của khu vực tư nhân, đó là cho phép vắcxin sản xuất tại nhiều nước, điều mà hãng dược phẩm AstraZeneca đang làm tại Ấn Độ.
Bên cạnh đó, WTO giảm bớt xu hướng hạn chế xuất khẩu các trang, thiết bị y tế, phương pháp điều trị cũng như các loại vắcxin. Dù các chính trị gia muốn cải thiện tình hình dịch bệnh trong nước trước, song bà cảnh báo rằng các chuỗi nguồn cung có liên hệ mật thiết với nhau và không thể nhanh chóng phân chia để các nước có thể tự sản xuất vắcxin.
Theo giới quan sát, vai trò của tân Tổng giám đốc WTO chủ yếu giúp khôi phục lòng tin và hình ảnh của WTO, vượt qua sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch COVID-19, đồng thời nối lại các hội nghị cấp bộ trưởng của WTO, khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ, sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO...
Với những cương vị và công việc từng đảm nhiệm ở Ngân hàng Thế giới cùng nhiều thể chế khác, giới quan sát kỳ vọng tân Tổng Giám đốc WTO sẽ có đủ khả năng và kinh nghiệm chèo lái WTO vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại này./.