Ngân hàng ghi nhận chênh lệch thu chi gần 8.000 tỷ đồng sau 2 tháng đầu 2021, tăng 54% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận 2020 của BIDV có thể tăng 44% nếu không thực hiện các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo thông tin từ phiên họp thường niên 2021 của BIDV (HoSE:
BID), sau 2 tháng đầu năm, tổng tài sản tăng 2%, tín dụng giảm 0,87%, huy động vốn giảm 2,5%. Chênh lệch thu chi trong 2 tháng đầu năm đạt 7.981 tỷ đồng, tăng 54%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 ở mức 1,58%.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc BIDV, việc tín dụng và vốn huy động giảm mang tính chu kỳ, phục vụ nhu cầu dịp tết.
Phiên họp cổ đông của BIDV sáng 12/3. Ảnh: BIDV.
Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tăng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến cao hơn 12-15% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%.
Ông Lâm chia sẻ động lực đóng góp vào lợi nhuận năm nay đến từ việc tiết kiệm chi phí (tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA lên tối thiểu 16% từ mức 14,5%. Bên cạnh đó, trích lập dự phòng ước tính chỉ tăng nhẹ so với năm 2020.
Thu nhập lãi thuần và thu dịch vụ ròng dự kiến tăng lần lượt 19% và 16-17%, Mặt khác, xu hướng thu nợ ngoại bảng được dự báo tiếp tục tích cực, tước tính khoảng 8.000 tỷ đồng.
Năm 2020, BIDV lãi trước thuế 9.026 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019, tương đương 73% kế hoạch. Đến 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng ở mức 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,7%. Nợ xấu là 21.342 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm và chiếm 1,75%. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 45% lên 16.525 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 88%.
Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú chia sẻ nếu không hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ Covid-19, lợi nhuận năm 2020 có thể tăng 44% so với năm 2019.