Ngân hàng đầu tư JPMorgan dự báo các cổ phiếu có tính chu kỳ thống lĩnh thị trường trong trung và dài hạn, khi chu kỳ kinh doanh được cải thiện.
“Bạn sẽ chứng kiến cổ phiếu chu kỳ và phòng thủ sẽ tiếp đà tăng giá sau khi chúng ta vượt qua giai đoạn mang nhiều tính điều chỉnh này”, theo James Sullivan, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường chứng khoán khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) của JPMorgan.
Cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh diễn biến theo xu hướng (tăng trưởng hoặc suy thoái) nền kinh tế. Các cổ phiếu đó nằm trong những lĩnh vực như tài chính, năng lượng và công nghiệp.
Cổ phiếu phòng thủ, ví dụ như cổ phiếu các lĩnh vực y tế và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, là nhóm mang lại lợi nhuận và cổ tức ổn định cho người và đơn vị nắm giữ, ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện chung của thị trường.
Thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc trong vài tuần gần đây khi lợi suất trái phiếu tăng lên, xuất phát từ sự lạc quan sau chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 và đà tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng.
Điều này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng của lạm phát, và các ngân hàng trung ương rất có thể sẽ nâng lãi suất. Lãi suất tăng sẽ là yếu tố cản trở đối với cổ phiếu được định giá cao.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan dự báo các cổ phiếu có tính chu kỳ thống lĩnh thị trường trong trung và dài hạn, khi chu kỳ kinh doanh được cải thiện. Ảnh: CNBC.
Những lo ngại xung quanh chủ đề lãi suất cũng đẩy mạnh sự xoay vòng trên thị trường. Các nhà đầu tư sẽ rút vốn ra khỏi cổ phiếu công nghệ đắt đỏ và cổ phiếu tăng trưởng. Thay vào đó, họ chuyển hướng sang cổ phiếu có tính chất chu kỳ trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và công nghiệp. Nhóm cổ phiếu này có sự trở lại ấn tượng trong vài phiên gần đây nhưng giới chuyên gia phân tích nhận định rằng các điều kiện thị trường vẫn chưa có được sự ổn định cao.
“Điều chúng ta thấy đó là sự trở lại đầy ấn tượng, về mặt giá trị, và chúng ta cũng sẽ thấy sự tăng trưởng ấn tượng của các cổ phiếu đó, như là kết quả tất yếu của sự xoay vòng thị trường”, Sullivan chia sẻ.
“Trong trung tới dài hạn, chúng ta sẽ được chứng kiến các cổ phiếu chu kỳ và phòng thủ dẫn dắt thị trường lên một tầm cao mới”, ông bổ sung.
Cổ phiếu tài chính và tiêu dùng
Đường cong lợi suất đi lên chính là tín hiệu lạc quan đối với tình hình lợi nhuận của các định chế tài chính lớn, Sullivan giải thích. Ông cũng bổ sung rằng JPMorgan đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Các công ty tài chính thường được hưởng lợi từ sự gia tăng lãi suất khi điều đó khiến cho biên lợi nhuận của họ được nới rộng lên.
Đường cong lợi suất đi lên khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng với tốc độ nhanh hơn so với trái phiếu ngắn hạn. Điều đó ám chỉ rằng nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát tăng và tình hình kinh tế cũng tươi sáng hơn.
JPMorgan cũng bày tỏ cái nhìn lạc quan đối với các cổ phiếu ngành tiêu dùng, theo Sullivan. “Chúng tôi nhìn thấy những xu hướng tiêu dùng đang phát triển mạnh trên quy mô toàn cầu”, ông nói.
Khi các nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại, chi tiêu tiêu dùng được dự báo tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng trưởng kinh tế và các biện pháp hỗ trợ. Tại Mỹ, tân Tổng thống Joe Biden ký thông qua gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD, qua đó giúp nhiều người dân quốc gia này nhận được tiền mặt để trang trải những khó khăn gặp phải trong suốt quãng thời gian qua.
Cổ phiếu công nghệ giá 'cao hợp lý'
Cổ phiếu các công ty công nghệ có năm 2020 vô cùng thành công trong bối cảnh Covid-19 khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới lệch nhịp do các biện pháp phong tỏa được áp dụng trên quy mô gần như toàn cầu. Các nhà đầu tư và nhà giao dịch, những người thường chuyển hướng sang các loại hình tài sản ít rủi ro hơn nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thị trường, đã đổ tiền vào các cổ phiếu công nghệ và phần mềm, do những công ty này hưởng không ít lợi ích từ đại dịch.
“Khả năng dẫn dắt thị trường của các cổ phiếu công nghệ đã được minh chứng rõ ràng nhất trong năm qua”, Sullivan chia sẻ. Ông cho biết thêm rằng, cho dù trong thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng bán tháo một vài cổ phiếu công nghệ, nhưng nhìn chung, “giá trị của các cổ phiếu lĩnh vực này đang ở mức cao hợp lý”.
Nhận định của JPMorgan trong lĩnh vực công nghệ nói riêng đó là nhà đầu tư nên chuyển hướng từ các công ty chuyên sản xuất nền tảng sang các công ty phát triển phần mềm và lĩnh vực chất bán dẫn, do đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt chip điện tử trên toàn cầu.
“Các công ty công nghệ cung cấp nền tảng lớn sẽ đánh mất vị thế dẫn dắt thị trường của mình trong khoảng thời gian còn lại của năm nay”, Sullivan bổ sung.