EBITDA của VinCommerce bắt đầu dương 1-2% trong quý đầu năm, hướng đến việc có lãi 5% vào năm 2025.
The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 9 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện Nợ/EBITDA là khoảng 5 lần và tập đoàn muốn tăng vốn để giảm con số về 3,5 lần
Năm 2021, nhóm công ty Masan Group (HoSE:
MSN), Masan Consumer (UPCoM: MCH) và Masan MeatLife (UPCoM: MML) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ chung khá đặc biệt tại Sapa, Lào Cai. Vì vậy, số cổ đông dự họp chỉ hơn 50 người đại diện cho 81,5% cổ phần có quyền biểu quyết. Cuộc họp năm ngoái tại trung tâm TP HCM có lượng cổ đông dự họp là 263 người, đại diện cho hơn 90,5% cổ phần có quyền biểu quyết.
Chủ đề đại hội năm nay của Masan Group là "Cùng đến nóc nhà Đông Dương". Ảnh chụp màn hình.
Kết hợp tài chính vào mô hình bán lẻ, VinCommerce có EBITDA dương
Theo CEO Masan Group ông Danny Le, kênh bán lẻ hiện đại (MT) sẽ là động lực cho thị trường bán lẻ, được tập đoàn tập trung phát triển. Ngoài ra, hoạt động nhượng quyền thương hiệu và kết hợp dịch vụ tài chính ngân hàng là yếu tố quan trọng của Masan Group để tối ưu và mang lại hiệu suất cao nhất.
“Chúng tôi đã tìm được công thức thành công cho mô hình bán lẻ của mình. Mô hình này dự kiến có 10.000 cửa hàng và 20.000 cửa hàng nhượng quyền đến năm 2025, kết hợp các dịch vụ online, offline và tài chính”, theo ông Danny Le.
Tập đoàn này năm ngoái đóng cửa 700 cửa hàng không hiệu quả để tối ưu hệ thống. Kế hoạch năm 2021 là đưa thử nghiệm các cửa hàng minimart, tối ưu sản phẩm từ 30.000 SKUs (đơn vị sản phẩm lưu kho) xuống 18.000 SKUs, mua hàng trực tiếp từ địa phương để cải thiện biên lợi nhuận 2%.
Vị Tổng giám đốc cũng cho biết EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của VinCommerce đã hòa vốn năm ngoái và bắt đầu dương 1-2% trong quý đầu năm, dự kiến có lãi (cấp công ty và cả khấu hao) trong năm 2021. Mục tiêu đến 2020 là có 35-40% hàng tươi sống, tăng lượng hãn hàng riêng và hướng đến việc có EBITDA dương 5%.
Mô hình nhượng quyền bán lẻ sẽ là sự kết hợp với các điểm bán lẻ truyền thống. Lãnh đạo Masan Group cho rằng lợi thế cạnh tranh là có hàng nghìn nhân viên bán hàng và có mối quan hệ tốt với hàng trăm nghìn điểm bán, có chuỗi cung ứng lớn mạnh.
Các điểm bán lẻ cũng hướng tới phục vụ nhu cầu tài chính kết hợp với Techcombank, đặc biệt là vùng nông thôn với 1.800 điểm bán dự kiến. Điểm bán lẻ cũng sẽ kết hợp với các nhà mạng để phục vụ nhu cầu cuộc sống số của người tiêu dùng. Tất cả những sự kết hợp trên sẽ hình thành nên chiến lược "Point of Life".
Kế hoạch 5 năm tới của tập đoàn là xây dựng một mô hình bán lẻ tích hợp để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Nhờ đó, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu; nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10%; đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại.
Mục tiêu 9 tỷ USD doanh thu cho The CrownX
The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 9 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 – 50 triệu khách hàng thân thiết và 10% doanh thu đến từ kênh online.
The CrownX sở hữu 83,74% cổ phần của VCM - công ty sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinEco cùng 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings (MCH) – công ty quản lý toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan Group.
Theo CEO Masan Consumer Trương Công Thắng, công ty sản xuất hàng tiêu dùng này sẽ chi mạnh cho hoạt động quảng cao và sẽ là đơn vị chi ngân sách quảng cáo nhiều tiền nhất Việt Nam. Công ty tung ra hàng chục sản phẩm đột phá hàng năm và các sản phẩm đột phá này có tốc độ tăng trưởng doanh thu 30-50%/năm.
Lãnh đạo Masan Consumer khẳng định Chin-su Foods có giá trị thương hiệu lớn nhất thị trường thực phẩm Việt Nam.
Doanh thu thuần MCH dự kiến tăng 15%-20% thông qua các phát kiến mới, chiến lược cao cấp hóa danh mục thực phẩm và mở rộng quy mô ngành hàng thức uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Biên EBITDA dự kiến giữ ổn định do công ty đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá phát kiến mới.
Phần thảo luận
Vì sao họp tại Sapa gây khó khăn cho nhiều cổ đông?
Chủ tịch
MSN Nguyễn Đăng Quang: Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi muốn tạo cảm giác mới để nhìn về tương lai mới, đất nước trải dài từ Bắc vào Nam nên không có địa điểm tốt cho tất cả. Điều thứ 2 là khi tập đoàn đến tầm cao mới sẽ có tầm nhìn lớn hơn, sau đó chúng ta có thể lên nóc nhà Đông Dương để có góc nhìn tầm cao về chuyện phụng sự người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ ưu tiên Việt Nam đầu tiên nhưng điều đó không có nghĩa chỉ làm mọi thứ ở thị trường Việt Nam mà phải làm một phần niềm tự hào Việt Nam. Masan Group có nhiều điều kiện và cũng như nhiều doanh nghiệp khác có khát vọng lớn, trở thành tấm gương nhỏ để các doanh nhân và thế hệ trẻ tự tin mang niềm tự hào Việt Nam ra khu vực.
Tỷ lệ nợ của Masan Group ra sao?
Phó Tổng giám đốc Michael Hung Nguyen: Hiện Nợ/EBITDA là khoảng 5 lần, nếu loại trừ VCM thì hệ số này còn khoảng 4,6 lần. Mục tiêu của chúng tôi là tăng vốn để nhắm đến tỷ lệ 3,5 lần. Khi sáp nhập VCM thì chúng tôi đã thận trọng trong các bước đi để đảm bảo tỷ lệ nợ tốt nhất, nhằm đảm bảo sức khỏe tài chính. Hiện có nhiều đối tác và ngân hàng ngỏ ý hợp tác nhưng chúng tôi không có ý định vay thêm, tập đoàn hiện có đủ dòng tiền và cảm thấy thoải mái với bảng cân đối kế toán này, nhưng vẫn tiếp tục tối ưu hơn thời gian tới.
Ông Danny Le: Chúng tôi có ý định tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến quý III-IV sau khi đã triển khai hợp tác với Techcombank ổn định thì sẽ có sự linh hoạt hơn trong việc tăng vốn.
Định giá Masan Group khoảng bao nhiêu?
Ông Quang: Công thức thành công 25 năm vừa qua của Tập đoàn là hàng ngày nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Việt Nam, do đó tập đoàn thừa hưởng từ sự phát triển này. Riêng tôi giá trị lớn và cao nhất nằm ở cuối con đường, phải đi mới biết.
Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang.
Ông Danny Le: Khi trao đổi với các nhà đầu tư tiềm năng thì nếu nhìn vào con số hiện nay sẽ không bằng vì tập đoàn mới tái cấu trúc sau sáp nhập, do đó cần nhìn tiềm năng hơn con số hiện tại, chúng tôi muốn chuyển đổi toàn diện hoạt động bán lẻ tiêu dùng Việt Nam.
Hiện Masan Group vẫn là công ty giá trị, tổng cộng có thể trăm tỷ USD. Khi mọi thứ định hình rồi thì câu chuyện sẽ rất khác, nên tôi thấy trách nhiệm của Ban điều hành là rất lớn nhằm dẫn dắt tập đoàn đi đến thành công, hướng đến các con số đặt ra.
Tái cấu trúc Vinmart ra sao?
Ông Trương Công Thắng: Kế hoạch đổi tên sang Winmart đang thực hiện dự kiến chuyển đổi vào cuối năm nay, cùng với đó công ty đang tích cực chuyển đổi về hàng hóa, dịch vụ và giá cả...
Công ty cũng thử nghiệm mô hình mới tại hàng chục cửa hàng. Kết quả ban đầu giúp chúng tôi rút ra nhiều mô hình cho Vinmart+ để dự kiến triển khai thêm 100 cửa hàng và có EBITDA dương nhanh trong khoảng 3-6 tháng. Chúng tôi vẫn tiếp tục thử nghiệm để học hỏi thói quen người tiêu dùng.
MSR dường như xa rời chiến lược chung của cả nhóm, kế hoạch với đơn vị này như thế nào?
Danny Le: Tại Masan High-Tech Materials (MSR), sau khi có sự tham gia của Mitsubishi, chúng tôi đã có những thảo luận bước phát triển mới về công nghệ, định hướng kinh doanh nhưng kế hoạch chi tiết hiện vẫn còn bảo mật. MSR thực tế không có liên quan mật thiết đến chiến lược Point of Life, chúng tôi vẫn đang làm rõ lộ trình phát triển chi tiết để xem đơn vị này có đồng hành cùng Masan Group không.
Về kinh doanh, năm 2020 đơn vị đã tích hợp hoàn toàn nền tảng vonfram nhưng gặp khó vì Covid-19, nhiều khách hàng ngưng sản xuất. Chúng tôi tận dụng thời gian đó để nghiên cứu sản phẩm mới, ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không, ôtô… Khi các ngành công nghiệp phục hồi thì chúng tôi đã có sẵn sản phẩm và giải pháp công nghệ để chào bán. Đầu năm 2021, chúng tôi có thêm nhiều khách hàng mới, cung cấp nhiều sản phẩm chế biến sâu đến thế giới.
Kế hoạch mở rộng của Masan Meatlife?
Tổng Giám đốc MML Phạm Trung Lâm: Năm ngoái mảng thức ăn chăn nuôi đạt tăng trưởng ở cả phân khúc cho heo, gia cầm và cá. Trong quý I này chúng tôi ghi nhận doanh thu so với cùng kỳ tăng trưởng 19%, cụ thể thức ăn cho heo tăng 45%, gia cầm tăng 2% nên kết quả khá tích cực.
Hiện chúng tôi mới sử dụng 7% công suất của các nhà máy chế biến, có thể nâng công suất nhà máy lên 30% vào cuối năm nay nếu mở rộng phân phối. Sản phẩm thịt hiện đã bao phủ 1.300 cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM, chúng tôi chưa ưu tiên phát triển các hệ thống siêu thị khác ngoài Vinmart. Dự kiến đến tháng 5 chúng tôi sẽ bao phủ các siêu thị ở tất cả các tỉnh thành.
Đại hội 3 công ty kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua. Bà Hà được bầu làm thành viên HĐQT Masan Group.
Trong năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 92.000 - 102.000 tỷ đồng và lợi nhuận phân bổ cho cổ đông của Công ty từ 2.500 - 4.000 tỷ đồng. Năm 2020, tập đoàn này có doanh thu thuần 77.218 tỷ đồng và lãi ròng giảm 78% về 1.234 tỷ đồng.
Dù có lãi trong năm qua nhưng HĐQT Masan Group quyết định trình phương án không chia cổ tức cho năm 2020. Năm 2019, tập đoàn này có chia cổ tức tiền mặt 10%, tương ứng số tiền 1.175 tỷ đồng.
Masan Group còn tiến hành bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT trong đợt này, ứng viên duy nhất nộp hồ sơ là bà Nguyễn Thị Thu Hà (thành viên HĐQT Công ty cổ phần Masan – cổ đông sở hữu 31,44% MSN).
Tập đoàn lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với khối lượng tối đa 10% số cổ phần đang lưu hành. Tập đoàn cũng phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng dự kiến tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp.