Tất cả thành viên trong Tập đoàn PAN đều đang triển khai nghiêm túc từng bước mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường.
Phát triển bền vững là cách ứng phó tích cực và chủ động nhất với những biến động khó lường trong tương lai.
Theo một báo cáo năm 2019 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng tài nguyên mà con người đang khai thác đã nhiều gấp 4 lần so với nửa thế kỷ trước và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Tổ chức Mạng lưới Dấu chân sinh thái Toàn cầu (Global Footprint Network) ước tính con người hiện sử dụng nhiều hơn 60% tài nguyên so với khả năng Trái đất có thể tái tạo, nhiều như thể chúng ta sống trên 1,6 hành tinh và đang trên đà cần đến tài nguyên của hai Trái đất trước năm 2050. Vì thế, nếu không thay đổi mô hình phát triển, chúng ta sẽ phải đối mặt với việc cạn kiệt tài nguyên, ngay cả với các tài nguyên tái tạo.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn PAN.
Việt Nam, từ 2015 đã trở thành nước nhập siêu than đá cũng như nhập khẩu rất nhiều nguyên nhiên liệu khác phục vụ cho sản xuất như dầu thô, sắt thép các loại, các kim loại thường, chất dẻo... Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5 % GDP mỗi năm. Ô nhiễm nước dự báo sẽ gây thiệt hại tới 3,5% GDP trong khi ô nhiễm đất và suy thoái đất cũng tác động lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Việt Nam tuy chỉ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng lại đang đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa.
Trước những vấn đề trên, nhiều nước đang thực hiện chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (circular economy) nhằm đạt được cả 2 mục tiêu: ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Trên thế giới, vấn đề kinh tế tuần hoàn đã sớm được đưa ra từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả khối liên minh châu Âu (đi đầu là Hà Lan, Đức và Đan Mạch), châu Mỹ (tiêu biểu là Canada và Mỹ) và cả châu Á (tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore).
Có gần 20 năm làm việc cho Biomin, một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi hiểu rằng kinh tế tuần hoàn không còn xa lạ với các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển. Từ đầu thập niên 90, làn sóng FDI đã mang mô hình này vào Việt Nam, cụ thể hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh thường ngày. Dù họ phải chi trả, đầu tư nhiều hơn ở giai đoạn đầu và đôi khi lợi nhuận kinh doanh chưa thể hiện rõ, nhưng thành quả gặt hái được là luôn dẫn đầu thị trường trong mảng kinh doanh của mình.
Ngày nay, không chỉ các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chuyển hóa hoạt động của mình theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tập đoàn
PAN là một trong những doanh nghiệp tiên phong. Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, lãnh đạo tập đoàn xác định kinh tế tuần hoàn là mô hình cần chú trọng cho tương lai thông qua những cam kết đối tác đến từ các quốc gia phát triển tại EU và Bắc Mỹ. Khi
PAN nghiên cứu đầu tư vào các công ty thành viên, tiềm năng đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là một tiêu chí lựa chọn quan trọng.
Dù mức độ thực hiện khác nhau, song có thể khẳng định hiện nay tất cả các thành viên trong tập đoàn đều đang triển khai nghiêm túc từng bước mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường. Có thể kể đến các ví dụ tiêu biểu như: Phụ phẩm cá tra của Aquatex Bến Tre dùng để chiết xuất dầu và làm thức ăn chăn nuôi, nước thải từ nhà máy được xử lý và tái sử dụng tại chỗ, nước trong ao nuôi được sử dụng tuần hoàn theo công nghệ RAS; Vỏ và đầu tôm của Sao Ta được đối tác mua lại để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế; Vỏ hạt điều của Lafooco vừa được tái sử dụng làm nguyên liệu đốt lò sấy, vừa được ép lấy tinh dầu để làm chất đốt và làm chất tạo màng để sản xuất sơn tàu biển hay các loại vật liệu ép, chịu nhiệt; Bã mắm được 584 Nha Trang bán cho đối tác tái sử dụng làm phân bón; Phụ phẩm từ nhà máy gạo của Vinaseed như vỏ trấu cũng được tái sử dụng tại chỗ làm chất đốt lò sấy, tấm và cám gạo được bán cho các đơn vị làm thực phẩm, nấu cồn; Phụ phẩm bánh kẹo
PAN Food, Bibica được tái sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, bao bì được thiết kế để người dùng có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em...
Các đơn vị thành viên trong Tập đoàn
PAN đều đang triển khai nghiêm túc từng bước mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường.
Ngoài ra, toàn bộ nước thải, khí thải từ các nhà máy và cơ sở sản xuất của tập đoàn đều được xử lý để hoặc tái sử dụng tại chỗ, hoặc trở lại an toàn với môi trường. Với chiến lược giảm sự phụ thuộc vào điện năng truyền thống, các công ty thành viên như Vinaseed,
PAN Food, Bibica đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy tại khu vực có bức xạ cao. Hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí điện và góp phần giảm lượng CO2 thải ra môi trường. Như vậy, kinh tế tuần hoàn đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp hàng ngày.
Câu chuyện ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn của các thành viên tập đoàn có thể nói là đã thành công bước đầu. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một cách thức phát triển phù hợp trong bối cảnh
PAN cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn gắn liền và hỗ trợ cho việc thực hiện 10 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển biền vững, đặc biệt trong đó có các mục tiêu liên quan trực tiếp tới ngành nông nghiệp, như SDG2-Xoá đói; SDG12-Sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm và SDG15-Sử dụng đất bền vững.
Với sự tiên phong và sáng tạo trong triển khai chiến lược,
PAN không chỉ 5 năm liền nằm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn, mà còn được Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đánh giá cao và vinh danh trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2020. Tại diễn đàn toàn cầu về thương mại bền vững ITC Good Trade Summit diễn ra tháng 10/2020 vừa qua với sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu thế giới, tôi đã tự hào chia sẻ về những thành công của các công ty thành viên đồng thời khẳng định “Phát triển bền vững là chiến lược xuyên suốt của Tập đoàn
PAN. Chúng tôi tin rằng đây là cách ứng phó tích cực và chủ động nhất với những biến động khó lường trong tương lai”.
Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Cuộc khủng hoảng Covid-19 dạy chúng ta bài học về sự liên kết để tạo ra khả năng thích nghi tồn tại và chống chịu. Đại dịch cũng giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tác động của chuỗi cung ứng tuần hoàn, của nhu cầu bảo vệ môi trường. Các tác động này đã quá rõ ràng và là hệ quả hiển nhiên từ thói quen tiêu dùng thiếu trách nhiệm đến sự thiếu hợp tác lẫn nhau. Đã qua rồi giai đoạn doanh nghiệp chỉ tập trung thúc đẩy gia tăng lợi nhuận cho riêng mình, mà cần phải có trách nhiệm với các bên có liên quan trong chuỗi cung ứng, cũng như nghĩ xa hơn về vấn đề con người, xã hội.
Tuy kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với những hạn chế. Chúng ta phải thừa nhận rằng cấu trúc kinh tế tuần hoàn 100% không bao giờ tồn tại, vì sẽ luôn tồn tại một số tổn thất trong hệ thống. Hơn nữa, không phải mọi hệ thống đều có lợi khi chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang hình tròn. Do đó, lợi ích của kinh tế tuần hoàn nên được đánh giá tổng thể để đảm bảo rằng lợi ích lớn hơn chi phí. Tuy nhiên, sử dụng tính tuần hoàn như một nguyên tắc xuyên suốt để tạo ra các thực hành hiệu quả hơn là một cách tốt để cùng nhau tiến lên phía trước.
Ở Tập đoàn
PAN, lộ trình đạt mục tiêu phát triển bền vững thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn đã, đang và sẽ tiếp tục như một sự phát triển tất yếu. Các công ty của tập đoàn sẽ cần có sự hợp tác, chia sẻ nhiều hơn nữa, cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái bền vững không chỉ là vòng đời của sản phẩm mà là vòng đời liên kết giữa các công ty với nhau và với người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng nhất không còn là khả năng tài chính, công nghệ mà là một tư duy mở và khả năng nhận diện xu hướng của tương lai. Mỗi thành viên cần sự đầu tư nghiêm túc, toàn diện về nguồn lực, công nghệ, con người theo một chiến lược dài hơi. Đây sẽ là sự dấn thân, thậm chí hy sinh những lợi ích ngắn hạn, trước mắt để đổi lại những giá trị bền vững theo thời gian, có ý nghĩa cho sự phát triển của doanh nghiệp, môi trường, xã hội. Khi nhận thức rõ về kinh tế tuần hoàn và quyết định theo hướng này, chúng ta sẽ biết phải làm gì và sẽ sáng tạo được cách làm để đạt được mục tiêu đó. Kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững không chỉ là thông điệp từ trái tim mà còn là mệnh lệnh từ khối óc của tất cả chúng ta.