Ngành thép là một ngành biến động theo chu kỳ rất rõ rệt, kéo theo đó, cổ phiếu thép cũng biến động theo chu kỳ. Khó có thể dự đoán rằng đâu là đỉnh của cổ phiếu thép trong giai đoạn này nhưng bài học quá khứ cho thấy, giá cổ phiếu thép đã đạt đỉnh và suy giảm khi mà những thông tin tiêu cực còn chưa rõ ràng.
Cổ phiếu thép liên tục phá đỉnh trong thời gian qua (ảnh minh họa)
Cổ phiếu ngành thép đang trong những ngày tháng tuyệt vời nhất khi giá liên tục phá đỉnh.
Thống kê cho thấy, giá cổ phiếu
HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã tăng tới 216% trong 1 năm qua và tăng 50% kể từ đầu năm. Trong khi đó,
HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã tăng tới 358% sau 1 năm và tăng 70% từ đầu năm. Cổ phiếu
NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim còn gây ấn tượng hơn với mức tăng lên đến 383% sau 1 năm và 110% kể từ đầu năm.
Mức tăng khủng khiếp trên đi liền với diễn biến lợi nhuận hết sức khả quan. Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đã tăng 78% trong năm 2020 và tăng 204% trong quý I/2021, so với cùng kỳ năm trước đó.
Với Hoa Sen, nửa đầu năm tài khóa 2020 - 2021, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 55%; trong khi mức tăng lợi nhuận năm tài khóa trước là 219%.
Thép Nam Kim cũng không kém cạnh. Mức tăng lợi nhuận sau thuế năm 2020 và quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước đó đều ở mức 3 chữ số, lần lượt đạt 523% và 666%.
Theo lý giải của giới phân tích, tăng trưởng lợi nhuận của Hòa Phát được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu (trong đó một phần quan trọng nhờ giá thép tăng), trong khi đó, các công ty tôn mạ như Hoa Sen, Thép Nam Kim phần lớn đến từ việc tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện, nhờ giá thép có xu hướng tăng và áp lực cạnh tranh ở thị trường trong nước giảm khi gần như không có công suất mới.
Trên thực tế, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã tăng trưởng mạnh từ quý II/2020 khi nhu cầu thế giới phục hồi cùng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Xét cả năm 2020, sản lượng xuất khẩu sắt thép đã tăng tới 48% so với năm 2019.
Xuất khẩu sắt thép được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm bảo vệ tăng trưởng GDP trong bối cảnh khu vực tư nhân chững lại. Dữ liệu cho thấy sản lượng xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc tăng trưởng tới hơn... 700% trong năm 2020.
Yếu tố thứ hai là ngành ô tô phục hồi, do dịch Covid-19 khuyến khích khách hàng chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. Thứ ba, mảng sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm. Ngoài ra, sản lượng sản xuất ở các thị trường thép lớn nhu EU, Ấn Độ, Nhật Bản... gặp khó do dịch bệnh cũng hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu thép Việt Nam.
Cũng không thể không kể đến việc giá thép tăng kỷ lục. Giá thép đã tăng rất nhiều từ nửa cuối năm 2020 do nhu cầu thế giới phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép và nguyên liệu thô. Với thép cuộn cán nóng (HRC), giá đã tăng cỡ gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thép xây dựng tăng không ngừng, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng cỡ 40-50%.
Giá thép có xu hướng tăng mạnh từ khoảng giữa năm ngoái nhờ nhu cầu tăng mạnh cùng với việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc, nhu cầu dồn nén từ các thị trường khác và giá quặng sắt tăng do sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là ở Brazil do dịch Covid -19.
Ở giai đoạn trước năm 2020, giá cổ phiếu thép (đại diện là HPG, HSG, NKG) đạt đỉnh vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Chú thích: đường màu xanh đậm - HPG, màu cam - HSG, màu xanh nhạt - NKG. Nguồn đồ thị: Tradingview
Việc giá cổ phiếu thép liên tiếp phá đỉnh trong thời gian qua gợi lại ký ức về một thời từng như vậy cách đây chỉ vài năm. Giá cổ phiếu thép đã tăng mạnh suốt từ năm 2016 và đạt đỉnh vào khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018, sau đó bước vào thời kỳ giảm giá mạnh.
Cần lưu ý rằng, giá cổ phiếu thép đã đạt đỉnh và suy giảm trước khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1.204,33 điểm vào tháng 4/2018, nghĩa là việc thị trường chung giảm sâu không phải nguyên nhân chính đẩy cổ phiếu thép đi xuống mà chỉ làm trầm trọng thêm mức giảm.
Diễn biến giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp phản ánh trước triển vọng tương lai và điều này cũng đúng trong trường hợp cổ phiếu thép đạt đỉnh vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Nhìn lại cả năm 2018, doanh thu của các doanh nghiệp thép niêm yết mặc dù tăng tới 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái (nhờ giá thép tăng khá mạnh và sản lượng tiêu thụ ổn định) nhưng chỉ có lợi nhuận Hòa Phát là tăng trưởng dương, còn lại các doanh nghiệp khác đều ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, chủ yếu do biến động giá nguyên vật liệu rất mạnh trong giai đoạn 2017 - 2018.
Điển hình nhất là ở các doanh nghiệp tôn mạ. Theo giới phân tích thời điểm đó, hầu hết các doanh nghiệp tôn mạ chủ yếu sử dụng vốn vay để tài trợ cho hoạt động nhập nguyên liệu. Khi giá HRC ở vùng 300-450 USD/tấn, tỷ lệ vay nợ duy trì ở mức an toàn (dưới 50% tổng tài sản), biến động tăng giá của mặt hàng này giúp các công ty tôn mạ được hưởng lợi nhờ tỷ lệ đòn bẩy tăng dần tới mức tối ưu (vay nợ chiếm 55% - 65% tổng tài sản) và hoạt động đầu cơ nguyên liệu mang lại lợi nhuận.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi khi giá HRC bắt đầu tiến tới ngưỡng quá cao (hơn 600 USD/tấn), tỷ lệ đòn bẩy đã qua vùng tối ưu (vay nợ có lúc chiếm 70% tổng tài sản) gây ra áp lực về chi phí lãi vay cho doanh nghiệp với trường hợp điển hình là Hoa Sen (Thép Nam Kim kịp thời phát hành riêng lẻ tăng vốn để cân đối lại tài chính nên áp lực thấp hơn). Đồng thời, điều kiện thị trường tiêu thụ kém khả quan trong ngành tôn mạ (cạnh tranh gay gắt trong nước và xuất khẩu khó khăn) khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp, các doanh nghiệp không thể chuyển mức tăng chi phí nguyên liệu vào giá bán. Theo đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp tôn mạ đảo chiều một cách nhanh chóng.
Nhìn chung, bên cạnh ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu thì ảnh hưởng tích cực từ việc áp dụng thuế bảo hộ trong năm 2016 đã giảm dần, cộng với việc nguồn cung gia tăng và làn sóng bảo hộ thương mại, đã khiến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép co hẹp lại.
Ngành thép là một ngành biến động theo chu kỳ rất rõ rệt, kéo theo đó, cổ phiếu thép cũng biến động theo chu kỳ. Khó có thể dự đoán rằng đâu là đỉnh của cổ phiếu thép trong giai đoạn này nhưng bài học quá khứ cho thấy, giá cổ phiếu thép đã đạt đỉnh và suy giảm khi mà những thông tin tiêu cực còn chưa rõ ràng.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư đang "đặt cược" vào lý thuyết về "siêu chu kỳ hàng hóa". Theo đó, thế giới đang bước vào một "siêu chu kỳ" kéo dài hàng thập kỷ trong đó hàng hóa được giao dịch trên xu hướng giá dài hạn. "Siêu chu kỳ" này gắn với việc đồng USD đang suy yếu và chính sách tài khóa hướng đến cơ sở hạ tầng cũng như năng lượng tái tạo. Giá thép được kỳ vọng cũng nằm trong "siêu chu kỳ" này và các doanh nghiệp thép sẽ được hưởng lợi lâu dài.
Tuy nhiên, trở về với thực tế, thời gian gần đây, việc giá thép tăng mạnh đã gây ra lo ngại lớn. Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) gần đây đã có công văn gửi Chính phủ về vấn đề giá thép xây dựng tăng quá "nóng" khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lí lo lắng trong dư luận xã hội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp thép gia tăng công suất, tối ưu nguyên liệu và tiết giảm chi phí sản xuất để bình ổn giá thép trong nước.
Gần nhất, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép, trong bối cảnh giá thép trong nước tăng rất mạnh.
Nhiều nước trên thế giới cũng đang đưa ra các giải pháp nhằm hạ nhiệt đà tăng của giá thép, nhất là khi "bóng ma" lạm phát đang rình rập sau thời gian dài các chính phủ liên tục "bơm tiền" để cứu tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.