• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.251,21 +0,75/+0,06%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.251,21   +0,75/+0,06%  |   HNX-INDEX   225,32   +0,68/+0,30%  |   UPCOM-INDEX   92,44   -0,30/-0,32%  |   VN30   1.308,83   -2,43/-0,19%  |   HNX30   481,92   +2,13/+0,44%
02 Tháng Mười Hai 2024 5:33:49 CH - Mở cửa
Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trong kiểm soát giá hàng hóa
Nguồn tin: Người đồng hành | 23/05/2021 7:08:22 CH
Những động thái mới đây của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường kim loại được dự báo chỉ có tác động tạm thời, trừ khi các cơ quan chức năng có biện pháp cứng rắn hơn để “ghìm cương” nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, động thái này rất có thể lại làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới, theo nhiều chuyên gia phân tích.
 
Chính phủ Trung Quốc hôm 19/5 cho biết sẽ tăng cường quản lý cung và cầu mặt hàng kim loại nhằm hạn chế tối đa sự tăng giá “bất hợp lý” trên thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Kết quả, giá của các mặt hàng này lập tức giảm xuống.
 
Đà tăng trưởng kinh tế tương đối ấn tượng của Trung Quốc khiến cho nhu cầu sử dụng kim loại trong các lĩnh vực như sản xuất và xây dựng tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, nguồn cung lại bị kìm hãm bởi nhiều vấn đề liên quan tới sản lượng của các doanh nghiệp lớn trong ngành. Các nhà lập pháp được cho là chỉ có thể tạo ra ảnh hưởng nhất định lên giá của loại hàng hóa này, trừ khi họ làm cách nào đó để cắt giảm nhu cầu thực tế của thị trường.
 
 
Công nhân một nhà máy thép ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
 
“Khi nói tới kim loại, các quan chức Trung Quốc thực sự đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu như muốn giá của mặt hàng sắt thép diễn biến ổn định, hoặc thậm chí là giảm xuống, họ buộc phải hạ nhu cầu thực tế của chính những mặt hàng đó”, theo Frederic Neumann, đồng trưởng ban nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á tại HSBC.
 
“Việc gia tăng nguồn cung, thông qua tăng công suất sản xuất, hoặc giải phóng lượng hàng hóa dự trữ, sẽ chỉ có tác động tạm thời trong việc kìm chế đà tăng giá. Việc cắt giảm nhu cầu của thị trường, tất nhiên, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”.
 
Nếu như nguồn cung thép trong thời gian tới không có nhiều thay đổi, “bạn sẽ không thể cắt giảm nhu cầu với hy vọng không làm ảnh hưởng tới nền kinh tế”, theo Wenyu Yao, chiến lược gia cao cấp lĩnh vực hàng hóa tại ING.
 
“Một giải pháp hoàn hảo là điều không thể”.
 
Những rủi ro xuất phát từ các cuộc đình công xảy ra tại công ty sản xuất đồng lớn nhất Chile, và sự phục hồi chậm của công suất khai thác quặng sắt của Vale, tập đoàn khoáng sản lớn nhất của Brazil, ảnh hưởng xấu tới nguồn cung kim loại toàn cầu trong năm 2021.
 
Các hành động 'chiến lược'
 
Bắc Kinh phát đi những cảnh báo về việc thị trường đang nóng lên quá nhanh sau khi giá một số kim loại chính tăng hơn 30% chỉ tính tới thời điểm hiện tại của năm 2021.
 
Những động thái cụ thể Bắc Kinh cho biết họ sẽ áp dụng bao gồm ban hành nhiều hơn quy định chặt chẽ về xuất, nhập khẩu và dự trữ, bên cạnh đó là gia tăng công tác thanh kiểm tra thị trường, điều tra hành vi nâng giá.
 
Trung Quốc không hé lộ sản lượng dự trữ chiến lược. Quốc gia này trong quá khứ mua vào nhiều kim loại như nhôm và kẽm nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, và bán một số mặt hàng kim loại công nghiệp khác như đồng nhằm làm dịu đà tăng giá của các mặt hàng kim loại đó.
 
“Ý định của Trung Quốc khi tung ra thị trường các mặt hàng kim loại nhằm hạ nhiệt giá các mặt hàng này ám chỉ họ hoàn toàn có đủ nguồn dự trữ để có thể ổn định giá cả trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ không có tác động lâu dài lên thị trường”, theo chuyên gia phân tích hàng hóa của ANZ, Soni Kumari.
 
Cơ quan quản lý dự trữ chiến lược và lương thực quốc gia Trung Quốc không đáp lại đề nghị bình luận.
 
“Việc tung kim loại dự trữ ra thị trường có thể sẽ giúp cải thiện nguồn cung nhưng tôi không cho rằng điều đó có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Và việc áp dụng chiến lược này quá thường xuyên không phải là quyết định sáng suốt, đặc biệt trong trường hợp của đồng, một kim loại chiến lược quan trọng”, Wenyu Yao chia sẻ.
 
Bắc Kinh được đặt kỳ vọng sẽ góp phần làm hạ nhiệt thị trường, nhưng một lần nữa, tác động sẽ chỉ là tạm thời vì tổng lượng dữ trự nhìn chung vẫn đang ở mức thấp.
 
Sức mua các mặt hàng kim loại của một số công ty xây dựng Trung Quốc trong thời gian gần đây đã bắt đầu chững lại. Điều đó cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn có lý do để tỏ ra thận trọng.
 
Chính phủ Trung Quốc có hai điều lo ngại. "Đầu tiên là tác động của đà tăng giá các hàng hóa kim loại đối với người sử dụng cuối cùng và áp lực lạm phát. Thứ hai, nếu như sự tăng giá này không thể được san sẻ bởi người sử dụng cuối cùng, các công ty sản xuất chắc chắn sẽ 'chết'. Họ sẽ cho đóng cửa nhà máy và gây ra tình trạng thất nghiệp”, theo một môi giới viên tại Hong Kong.
 
“Có hai mặt của vấn đề, và họ phải tìm cách để cân bằng chính sách”.
 
Bên cạnh những động thái của Bắc Kinh, các chuyên gia hoạch định chính sách cho biết họ sẽ tìm cách nhằm ổn định hóa thị trường thép và quặng sắt. Họ kỳ vọng giá các mặt hàng kim loại sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.
 
Chính quyền thủ phủ sản xuất thép Đường Sơn của Trung Quốc trong tuần trước đã đưa ra những cảnh báo về sự thông đồng đẩy giá của một số doanh nghiệp, trong khi đó, nhiều sàn giao dịch hàng hóa cũng đã có những biện pháp nhằm ổn định giá cả các mặt hàng.