Sản lượng thép thường đi theo nhu cầu xây dựng, do đó, Trung Quốc cần tìm cách đưa nền kinh tế bớt phụ thuộc vào ngành này.
Trung Quốc cam kết giới hạn phát thải carbon vào năm 2030 nhưng lực cầu thép – ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất nước này – vẫn rất mạnh.
Bắc Kinh trong quá khứ từng kiểm soát nguồn cung thép dễ dàng và đang có động thái tương tự, một trong những lý do khiến giá vật liệu này gần đây tăng. Tuy nhên, triển vọng trung hạn đối với cả giá thép và mức độ ô nhiễm đều phụ thuộc đáng kể vào việc Trung Quốc có thể kìm hãm được tăng trưởng lực cầu hay không. Để thành công, Trung Quốc sẽ cần dịch chuyển nền kinh tế khỏi nhà ở và xây dựng – mục tiêu dài hạn cho đến nay vẫn chưa thể nắm bắt.
Công nhân một nhà máy thép ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Lĩnh vực sắt và thép đang tiêu thụ năng lượng nhiều nhất Trung Quốc – chiếm 13% tổng năng lượng tiêu thụ năm 2018, năm gần nhất số liệu này được công bố. Và những ngành công nghiệp nặng khác như kim loại phi sắt, xi măng, thủy tinh và hóa chất – tương tự thép, thường theo sau nhu cầu về nhà ở - chiếm khoảng 25% tổng năng lượng tiêu thụ.
Dù nền kinh tế đã có những thay đổi đáng kể trong thập kỷ vừa qua, ngành xây dựng và sản lượng thép gần như không thay đổi.
Khả năng Trung Quốc đạt mục tiêu về môi trường sẽ phụ thuộc vào loại năng lượng sử dụng, không chỉ là bao nhiêu. Với than vẫn chiếm 57% tổng nguồn cung năng lượng năm 2020, Trung Quốc khó đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 nếu không tăng đầu tư đáng kể vào năng lượng sạch và thắt chặt kiểm soát tăng trưởng các lĩnh vực công nghiệp nặng liên quan nhà ở.
Hiệu quả năng lượng nói chung của kinh tế Trung Quốc tiếp tục cải thiện nhưng với tốc độ chậm đi đáng kể kể từ năm 2016 – chủ yếu do đầu tư bất động sản bùng nổ trở lại sau vụ vỡ bong bóng năm 2014 và 2015.
Bắc Kinh có nhiều lý do để đưa nền kinh tế rời khỏi bất động sản và đã có những động thái nhất định trong năm qua như hạn chế ngân hàng cho vay bất động sản, hạn chế hơn nữa khả năng sử dụng đòn bẩy của các công ty bất động sản.
Nhưng những lực đẩy sâu hơn của lực cầu nhà ở và thép khó giải quyết hơn. Các hộ gia đình Trung Quốc coi nhà đất là một hình thức đầu tư, chủ yếu vì thị trường chứng khoán biến động và các biện pháp kiểm soát vốn khiến khó đầu tư ra nước ngoài hơn.
Nếu các hộ gia đình Trung Quốc còn coi ngôi nhà thứ hai, thứ ba là khoản đầu tư tốt hơn chứng khoán và nhà chức trách tiếp tục hạn chế các lựa chọn mang lại thu nhập cố định như sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng, Trung Quốc vẫn khó kiểm soát được lĩnh vực nhà ở, cũng như tăng trưởng lực cầu thép, năng lượng.