Mảng nông nghiệp dự kiến chững lại sau năm 2020 bứt phá mạnh.
Thay vào đó, mảng thép sẽ là mảng bứt phá và đem lại lợi nhuận đột biến cho Hòa Phát.
Mảng nông nghiệp đóng góp khoảng 7% trong doanh thu Hòa Phát quý I.
Thép bứt phá, lợi nhuận hơn 7.000 tỷ đồng quý I
Tập đoàn Hòa Phát công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu thuần 31.177 tỷ đồng, tăng 62%; lợi nhuận sau thuế 7.006 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng
Tập đoàn cho biết doanh thu và lợi nhuận đột biến trong quý nhờ sản lượng tiêu thụ thép thô tăng 60% so với quý I/2020, cùng giá vốn và giá bán tốt. Ngoài hoạt động kinh doanh chính thì thoái vốn mảng nội thất mang về cho Hòa Phát 500 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I.
Trong năm 2020, Hòa Phát đã cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành gồm gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản. Trong khi đó, tập đoàn thoái vốn khỏi mảng nội thất với lý do ngành này mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông không phù hợp với mô hình quy mô sản xuất lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh thép đóng góp chủ yếu với 28.803 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92% và tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Mảng đóng góp lớn thứ 2 là nông nghiệp với 2.248 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% và giảm 18,5%. Mảng kinh doanh bất động sản mang về 125 tỷ đồng doanh thu, giảm 50,3%.
Xét về lợi nhuận, mảng thép đóng góp 6.666 tỷ đồng lợi nhuận, nông nghiệp đóng góp 392 tỷ đồng và bất động sản đóng góp 40 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận mảng thép gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước thì nông nghiệp giảm 18,5% và bất động sản giảm 57%.
Đơn vị: tỷ đồng
Lợi nhuận mảng nông nghiệp chững lại, M&A 1 đến 2 dự án bất động sản
Mảng nông nghiệp được Hòa Phát đẩy mạnh đầu tư từ năm 2015, đến nay mảng này đã trở thành lĩnh vực đóng góp doanh thu và lợi nhuận thứ 2 cho tập đoàn. Hòa Phát có 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm; các trang trại chăn nuôi heo tại Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phát triển mảng chăn nuôi thịt bò và trang trại chăn nuôi gia cầm.
Vào thời điểm cuối năm 2020, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 150.000 con bò úc, 250.000 heo thương phẩm mỗi năm và 700.000 trứng gà/ngày. Mục tiêu của tập đoàn đến 2022 là nâng công suất thiết kế lên 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 500.000 heo thương phẩm/năm, 250.000 bò thịt/năm và 300 triệu trứng gà.
Đơn vị: tỷ đồng
Theo ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Hòa Phát, mảng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng doanh thu gấp đôi lên 20.000 tỷ đồng năm 2021; lợi nhuận từ 1.700-1.800 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm trước. Như vậy, lợi nhuận mảng nông nghiệp sau năm 2020 bứt phá thì dự kiến chững lại trong năm 2021.
Đồng thời, trong chiến lược kinh doanh mảng này, Hòa Phát đang đặt mục tiêu phát triển hệ thống đại lý lên hàng đầu. Ông Dương cho biết mảng trứng gà đến nay vẫn lỗ nhưng vẫn bán để xây dựng hệ thống đại lý.
Mảng bất động sản Hòa Phát nhắm tới lĩnh vực khu công nghiệp và khu đô thị. Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp (KCN) bao gồm Phố Nối A (600 ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5 ha) – Hưng Yên; Hòa Mạc – Hà Nam (131 ha). Hòa Mạc đã nâng tỷ lệ lấp đầy lên 75% diện tích, trong khi Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Song, KCN Phố Nối A đang thực hiện thủ tục đầu tư mở rộng về phía Đông, KCN Yên Mỹ II cũng sẽ được mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 200 ha. Dự kiến, các KCN sẽ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng phần mở rộng để có thể tiến hành cho thuê đất từ năm nay.
Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản nhà ở, tập trung ở những thị trường có tính thanh khoản cao như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Dự kiến, trong năm 2021, Hòa Phát sẽ triển khai M&A 1 đến 2 dự án tại các thị trường này.
Tăng nợ vay, tồn kho và khoản phải thu
Tại thời điểm cuối quý I, Hòa Phát có 37.292 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, tăng thêm gần 500 tỷ đồng; nợ vay dài hạn 18.268 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng nợ vay của doanh nghiệp tăng thêm 14.300 tỷ đồng, tức tăng 35%. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 83,6%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang duy trì khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lớn 10.807 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm; tiền tương đương tiền cũng tăng từ 13.696 tỷ đồng lên 14.019 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Hòa Phát chỉ có 6.157 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng 1.617 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Việc này khiến lãi tiền gửi, tiền cho vay đạt 229 tỷ đồng trong quý I, tăng mạnh so với con số 63,5 tỷ đồng quý I/2020. Chi phí lãi vay của Hòa Phát cũng tiếp tục tăng từ 481 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng, tăng 29%.
Bên cạnh đó, khoản phải thu cũng tăng đáng kể từ 6.124 tỷ đồng lên 8.685 tỷ đồng, chủ yếu tăng phải thu khách hàng ngắn hạn. Hàng tồn kho tăng thêm gần 1.500 tỷ đồng lên 27.751 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn tăng mạnh giá trị nguyên liệu, vật liệu tồn kho từ 11.876 tỷ đồng lên 14.482 tỷ đồng.