• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 6:15:25 SA - Mở cửa
Bài 3: Du lịch Việt thoi thóp chờ ‘hồi sức cấp cứu’ từ Chính phủ
Nguồn tin: Vietnam+ | 12/06/2021 11:54:21 SA
Những doanh nghiệp du lịch đã sức cùng lực kiệt phải "án binh bất động" và chờ đợi những động thái trợ giúp từ Chính phủ. Mặc dù họ hiểu tất cả đều đang mắc kẹt nhưng vẫn không ngừng hy vọng...
 
Vượt qua ba lần dịch COVID-19 bùng phát, dù có mất mát và đau thương thì những “anh cả” trong ngành du lịch Việt vẫn còn giữ được tinh thần lạc quan và sự tự tin để trước mắt khôi phục thị trường nội địa. Nhưng dịch bùng phát tứ phương lần thứ tư lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
 
Lúc này, hàng loạt “cá lớn” dường như chết đứng và dù cố tỏ ra mạnh mẽ đến đâu, cũng có khoảnh khắc không thể che giấu và gồng mình thêm nữa, họ đã phải thốt lên “chênh vênh quá.” Tất cả đã chạm đến ngưỡng giới hạn. Họ, giống như những chú cá đang mắc cạn cần một làn nước mát để trở lại với đại dương...
 
Có thực mới vực được... công nghiệp không khói
 
Dù đã nỗ lực tự cứu mình, thậm chí “xả thân” để mong còn “có thể hít thở,” nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp du lịch đã sức cùng lực kiệt, nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự tối đa để duy trì bộ máy. Thực tế, việc dồn lực chuyển đổi mô hình kinh doanh của một số doanh nghiệp thực chất cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi thế, nhiều chuyên gia cho rằng nếu Chính phủ không kịp thời có những chính sách hữu hiệu để cứu doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch thì cả thị trường nội địa lẫn quốc tế tương lai đều rất mịt mù.
 
CEO AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết thực tế có đến 95% doanh nghiệp đã “chết” từ ba đợt dịch trước. Điều đó đồng nghĩa đang có một lực lượng rất lớn nhân sự ngành du lịch phải mưu sinh bằng những nghề khác nhau. Đặc biệt, lần thứ tư dịch bùng phát đúng dịp cao điểm mùa Hè nên ông Đạt cho rằng đây sẽ là yếu tố tiếp tục loại bỏ những công ty du lịch và nhân lực không còn khả năng chống chịu với COVID-19.

 
 
Quang cảnh vắng lặng ở sân bay Nội Bài những ngày dịch COVID bùng phát lần thứ 4. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
 
“Thực tế, các kiến nghị, đề xuất cho ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và nhân sự trong ngành kinh tế xanh đã được đề cập, bàn luận, góp ý rất nhiều từ những đợt dịch trước. Có những chính sách của Chính phủ khi triển khai ở thực tế cũng còn nhiều bất cập nên hầu như các doanh nghiệp và nhân sự ngành du lịch chưa nhận được hỗ trợ gì đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu cũng như thông cảm vì Chính phủ còn nhiều mối lo khác,” ông Đạt chia sẻ.
 
Nguồn lực kiệt quệ cả vốn lẫn nhân sự, thị trường phập phù theo từng đợt COVID-19, nên CEO VietSense Travel, ông Nguyễn Văn Tài đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí để các doanh nghiệp du lịch có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ hoặc tiếp cận vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.
 
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ “bảo lãnh” cho doanh nghiệp du lịch vay vốn. Có thể xem xét quá trình hoạt động của doanh nghiệp, lấy thương hiệu và các hợp đồng kinh tế doanh nghiệp đang triển khai, thực hiện để thế chấp. Bởi doanh nghiệp muốn “sống” và giữ được nhân sự thì phải “có thực.”
 
Đặc biệt, các CEO kiến nghị Chính phủ cần sớm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động làm trong ngành du lịch như: Cho giảm, giãn đóng phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp… dựa trên mức thu nhập thực tế của người lao động; kéo dài thời gian hỗ trợ người lao động ngành du lịch bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm…
 
Sau đợt COVID-19 lần thứ tư bùng phát, sẽ có thêm nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, hoặc nếu không đủ khả năng nuôi quân thì chủ doanh nghiệp sẽ “gánh” việc để cắt giảm tối đa chi phí. Số nhân sự còn đang cố bám trụ với ngành thời điểm này thực sự bấp bênh như đứng trước bờ vực. Họ sẽ buộc phải kiếm việc khác nếu tình hình không có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn.

 
Sơn Đoòng, niềm tự hào của du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
 
Ông Tài cho rằng: “Nếu tìm được những công việc tương thích và có mức thu nhập tương đương như trước đây thì chắc chắn họ sẽ không quay trở lại ngành du lịch nữa. Điều này đồng nghĩa nguồn nhân lực sẽ ‘chảy máu’ trầm trọng. Khi COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp muốn tuyển nhân sự rất dễ rơi vào cảnh không còn ai để tuyển. Lúc đó, lỗ hổng nhân lực ngành sẽ rất lớn mà không phải ngày 1 ngày 2 có thể khỏa lấp được.”
 
Vẫn chờ chính sách từ Chính phủ
 
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, lãnh đạo ngành cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất lúc này mà các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt lữ hành cần làm là cơ cấu lại hoạt động doanh nghiệp, bộ máy nhân sự, có giải pháp quản lý về nhân lực, nguồn lực tối ưu, sau đó mới tính tiếp.
 
Mặc dù rất thấu hiểu cho hoàn cảnh doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch nhưng để có thể “bơm” nguồn lực vực dậy nền kinh tế xanh ngay lúc này, người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định “rất khó.”
 
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch nghiên cứu, xem xét để trình Chính phủ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Thực tế nguồn lực của Nhà nước cũng khó có ngay để hỗ trợ ngành du lịch, mà Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ theo hướng miễn, giảm thuế sử dụng đất và miễn, giảm tiền điện,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
 
Còn những chính sách về lâu dài, Bộ cần lắng nghe thêm từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thẩm định của Nhà nước để trình Chính phủ có một chính sách căn cơ và cân đối chung giữa các nhóm ngành kinh tế khác.
 
Là cơ quan quản lý trực tiếp, lãnh đạo Tổng Cục Du lịch nhấn mạnh thời điểm này, trong khi chờ đợi những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ việc cần làm ngay của các doanh nghiệp toàn ngành là cố gắng giữ chân người lao động để tập huấn, bồi dưỡng và xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân sự.
 
Để cuộc sống và đặc biệt là hoạt động du lịch sớm trở lại bình thường, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp lữ hành đều mong mỏi Chính phủ, các cấp, ban, ngành và người dân tích cực phòng, chống dịch hiệu quả, nhanh chóng đẩy lùi được đợt COVID-19 bùng phát lần thứ tư giống như ba lần trước. Vì chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân mới đi du lịch và doanh nghiệp mới có cơ hội “hồi sinh”./.